1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Game bạo lực và bi kịch

“Ai cứu con tôi, ai cứu con tôi…” là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của một người cha khốn khổ có con nghiện game. Được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một bi kịch điển hình có ảnh hưởng từ game bạo lực

P.M.L đứa con trai út khôi ngô, học giỏi ngày nào giờ đây đã biến thành nỗi khổ tâm cùng cực của gia đình ông P.M.K. Trong chuỗi ngày M.L bị hút sâu vào thế giới ảo đầy bạo lực của game, vợ chồng ông K. đi từ lo lắng, đau khổ, hoang mang, đầy nước mắt, để cuối cùng là cảm giác tuyệt vọng và sợ hãi.

Tan nát một gia đình

Ở Bình Dương, gia đình ông P.M.K là một gia đình có tiếng. Không chỉ có tiệm may lớn, uy tín lâu năm, vợ chồng ông còn được người trong vùng quý trọng bởi cả 3 người con đều rất khôi ngô, xinh đẹp và học giỏi.
 
Con trai đầu của ông K. từng đoạt giải 3 học sinh giỏi toán cấp quốc gia; con gái giữa nhiều năm liền là học sinh xuất sắc toàn diện; còn con trai út M.L thì luôn dẫn đầu trường tiểu học về điểm số các môn khoa học tự nhiên.
 
Vợ ông K. từng đạt giải nhất hội thi “Ông, bà, cha, mẹ nuôi dạy con theo phương pháp khoa học” do thị xã tổ chức. Thế nhưng, kể từ ngày M.L dấn sâu vào thế giới game online bạo lực, bao niềm tự hào của gia đình này bị sụp đổ. Cả nhà luôn sống trong trạng thái ngột ngạt.
 
Game bạo lực và bi kịch  - 1

M.L đang miệt mài chơi game trong tiệm net này nhưng vì lý do tế nhị, chúng tôi không chú thích rõ trong ảnh

Cách đây hơn một năm, báo chí đã viết về trường hợp nghiện game của M.L trong loạt bài “Khổ vì con là game thủ”. Một năm sau gặp lại, cả bố mẹ M.L đều già đi trông thấy, riêng ông K. tóc bạc hẳn; trong khi đó, cậu “quý tử” M.L thì gầy rộc, phờ phạc hẳn đi.

Chúng tôi đến nhà ông K. lúc 12 giờ. M.L như không hề quan tâm tới một ai, em mở cửa phòng, đến trước mặt mẹ xin tiền nhưng chỉ nói gọn lỏn một chữ: “Tiền”? Mẹ M.L miễn cưỡng lấy tiền đưa, M.L thản nhiên đưa tay lấy, đút túi ra đi, không nói thêm lời nào khác!
 
Gần một năm qua, nếp sống của M.L là như thế. Với M.L, trưa ngủ dậy, đi chơi game tới 24 giờ, về nhà ngủ đến 12 giờ hôm sau, rồi lại đi chơi game như một công việc đã được lập trình tự bao giờ. M.L đã bỏ học hoàn toàn, ít ăn uống và rất hạn chế tắm rửa. Cha mẹ rủ du lịch, không đi. Anh chị rủ đi xem ca nhạc, hài kịch để giải trí, tuyệt đối không đi. Ngoài ngủ, thời gian chủ yếu em ngồi lì trước màn hình vi tính ở tiệm net và vùi đầu vào game bất tận.

Mọi phương pháp, biện pháp của cả nhà để đưa M.L trở về với đời thực đều thất bại. M.L vẫn cứ chìm đắm vào thế giới ảo đầy bạo lực. Trong khi chưa tìm thấy “con đường sáng”, vợ chồng ông K. buộc phải “sống chung” với một con nghiện game bất trị. “Không cho tiền là có chuyện ngay, nó rất hung tợn. Vả lại nếu để nó không có tiền, rất dễ sinh ra trộm cướp để có tiền chơi game thì càng nguy hiểm hơn. Tình hình quá nghiêm trọng. Bây giờ chúng tôi vô phương. Thôi thì cứ để nó “sống chung” với game, chứ bây giờ dùng biện pháp mạnh, nó chết mất”- ông K. thở dài trong nước mắt.

“Con tôi là nạn nhân của xã hội - game online”

Bất lực, không cách nào cứu được con, người cha khốn khổ P.M.K đành trút nỗi lòng của mình vào những trang nhật ký: “Vợ chồng mình đã sống trong căng thẳng gần một năm nay. Có lẽ đây là thời gian căng thẳng kéo dài nhất. Từ khi hết học kỳ I, con không làm bài và nghỉ học luôn, lao vào cuộc chơi không còn biết gì nữa.
 
Mọi lời nói từ ba, mẹ, ngoại,Tư ... nhưng chẳng lọt vào tai một từ nào, không còn biết chút gì là sĩ diện. Thương con quá, mình tin nó không phải là một đứa con hư, khó dạy. Nó là nạn nhân của xã hội - game online...”. Đó là đoạn đầu cuốn nhật ký mà ông P.M.K lặng lẽ viết trong khoảng thời gian con mình nghiện game. Cuốn nhật ký dày 64 trang thấm đẫm nước mắt và buồn đến não lòng.

* (Ngày 23-4-2010) “... Kể từ sau Tết âm lịch đến nay, gia đình xuống cấp hết sức trầm trọng, chưa bao giờ có như thời gian này. Tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng, kinh tế hụt hẫng; không khí ảm đạm, buồn bã, chán chường đang trùm lấy ngôi nhà này. Những giọt nước mắt mẹ nó lăn dài, mình cũng nghe nghẹn đắng trong lòng...”. Trong nhật ký của ông P.M.K, có rất nhiều ngày được ông viết là “ngày tồi tệ” hoặc “ngày đen tối”. Đó là những khi đứa con trai út rời khỏi nhà để phiêu lưu cùng những “kẻ sát nhân” trong tiệm net hay cùng đám bạn lang thang ngoài công viên, sau khi đã đe dọa người mẹ để lấy tiền tiêu xài.

* (16-6-2010) “Không thể tin được những chuyện xảy ra lại là sự thật. Tại sao lại có thứ rác rưởi ấy ở trong ngôi nhà này?”. Thời điểm đó, ông P.M.K đem 15 triệu đồng lên đóng học phí cho Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình - TPHCM) để cho M.L học nội trú, vì ông và gia đình nghĩ rằng có vào nội trú như vậy may ra con mình sẽ thoát khỏi thế giới ảo.
Nhưng chỉ được 2 ngày, M.L gom hết đồ đạc bảo bố mẹ đón về nhà và tuyên bố: “Nếu cứ bắt buộc phải trở lên TPHCM học thì hãy sắm sẵn chiếc quan tài”(!). Sau lần này, ông K. xin cho con vào học Trường Dân lập Phan Chu Trinh ở thị trấn Dĩ An, nhưng chỉ được mấy tuần thì gia đình nhận được tin báo M.L bị sùi bọt mép, “chết lâm sàng”, nghi bị sốc do dùng chất kích thích. Sau khi được cứu sống tại bệnh viện, M.L rời khỏi nhà trường với một bảng điểm trống trơn trong học bạ và rồi lại tiếp tục hành xác trong tiệm net với game online.

* (28-12-2010) “Game online đã giết chết của mình một đứa con. Giờ này cũng chưa khẳng định được là nó ở trong trạng thái tâm thần hay một người mất nhân cách. Dù bị tâm thần hay mất nhân cách thì cũng vô cùng nan giải, giải quyết thế nào đây? Khó quá, không khéo sẽ vĩnh viễn mất con”.

* (30-12-2010) “Quý tử về, không chào hỏi ai một tiếng, đi thẳng ra nhà sau tắm rồi lên nhà dắt xe đạp đi. Mẹ cầm xe giữ lại: “Trời còn mưa mà con đi đâu nữa?”. Quý tử nạt nộ: “Thả tay ra”, rồi lên xe đạp như bay. Vợ chồng đứng trước cửa nhìn theo. Khi bóng con không còn trong tầm mắt, vợ chồng ngồi phịch xuống thềm nhà. Nước mắt mẹ nó lại lăn dài trên má...”.

* (31-12-2010) “Hôm qua thêm một ngày tồi tệ nữa. Buổi chiều mẹ nó khóc hai lần, không khóc thành tiếng, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt hốc hác. Bên ngoài trời cứ mưa. Mình cũng cố nén nước mắt, nuốt vào lòng. Đúng là thảm cảnh gia đình...”.

“Nhìn chiếc áo trắng của con treo đó, nhìn những đứa trẻ trạc tuổi nó tung tăng cắp sách đến trường... sao con mình không đi? Ai không cho nó đi học? Tôi đã thật sự mất con chưa? Vì đâu nên nỗi? Ai cứu được con tôi?...”.
 
(Trích nhật ký của ông P.M.K)
 
Bài Quý Lâm
Người Lao động