Tràn ngập game offline sex và bạo lực
Nhiều người vẫn “tưởng” và biện hộ rằng game offline “hiền lành”, nhưng trên thực tế ẩn trong vẻ “hiền lành” ấy vẫn có rất nhiều game đầy bạo lực, sex.
Trong khi game online được kiểm soát thì một loại game khác cũng nguy hiểm không kém - game offline - lại xuất hiện tràn lan và không được quản lý dù có rất nhiều game đầy bạo lực, sex...
Cần là có
Tại TPHCM, chỉ cần đi một vòng quanh các con đường như Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, Phạm Thế Hiển, Ngô Tất Tố, Cách Mạng Tháng Tám… là có thể dễ dàng mua được những đĩa game đủ thể loại với giá chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/đĩa.
Tại các cửa hàng này, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm các đĩa game bắn súng, giết quái vật, đánh võ, sex... như Mafia II, Grand Theft Auto, Resident Evil, Call of Duty Black Ops... Các tiệm băng đĩa có người lên mạng, tải về các game này, “bẻ khóa” và ghi ra đĩa để bán cho khách hàng.
Không chỉ mua dễ dàng tại các tiệm băng đĩa, hiện nay, giới trẻ còn dễ tiếp cận với các game offline so với trước đây nhờ internet. Chỉ cần vào mạng, lướt qua các diễn đàn về game trong và ngoài nước, các website chia sẻ game, phần mềm là có thể tải ngay về máy tính các game offline đã được “bẻ khóa” sẵn chỉ trong vài phút. Không chỉ chia sẻ các game bạo lực, sex, các diễn đàn game còn hướng dẫn cách cài, chơi các game này và bàn luận hết sức sôi nổi.
Việc quản lý game offline trong nước hoàn toàn bị buông lỏng.
Chúng tôi đã thử vào một số tiệm internet trên đường Phạm Viết Chánh, Trần Quang Khải, Phạm Thế Hiển... để tìm hiểu về các game offline. Thật ngạc nhiên khi hầu hết phòng máy internet ở đây đều có cài ít nhất vài game bắn súng, đánh võ, giết quái vật… Một nhân viên trông coi phòng internet trên đường Phạm Thế Hiển cho biết ở TPHCM, game offline từ trước đến giờ đều được cài vào các máy tính của tất cả các phòng máy internet để khách chơi giải trí.
Khách các tiệm internet thường là học sinh, giới trẻ. Họ vào đây chủ yếu để giải trí và chơi game, không cài game vào máy để khách chơi thì làm sao mà có khách - nhân viên này cho biết. Bây giờ, game online đang bị quản lý, bọn trẻ trở lại chơi game offline ì xèo mỗi ngày. Game offline thì phải bắn súng, đánh võ hay chém giết quái vật thì bọn trẻ mới chơi - nhân viên này cho biết thêm. Điều đáng nói là các tiệm internet với đầy rẫy game offline bạo lực này lại nằm rất gần với các trường học.
Chưa quản lý !
Hiện vẫn chưa có một định nghĩa, khái niệm nào rõ ràng về game như thế nào là bạo lực và có rất ít nghiên cứu cụ thể về tác hại của nó. Nhưng ở góc độ nào đó, tác động của game bạo lực đến người chơi là đã có và xảy ra trên khắp thế giới. Trên thế giới, một số nước đã cấm game bạo lực nhằm tránh những tác hại khôn lường đến người chơi game.
Tháng 11/2007, Liên hiệp châu Âu (EU) thông qua một điều luật kiên quyết chống lại các trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Theo đó, các cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử tại tất cả các nước EU sẽ không được phép bán trò chơi điện tử có tính chất bạo lực cho trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Tại Mỹ, hầu hết game offline đều được xếp hạng là game dành cho người lớn với độ tuổi 17 trở lên và cấm tất cả cửa hàng kinh doanh đĩa game bán cho những người chơi dưới 16 tuổi, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.
Trong khi trên thế giới đã có Ủy ban Đánh giá Phần mềm Giải trí ESRB (Liên đoàn Phần mềm Giải trí ESA - Bắc Mỹ) để phân loại game thì tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có một cơ quan, tổ chức hay quy định nào để phân loại game offline. ESRB chuyên xếp hạng nội dung các game, đưa ra các chỉ dẫn về quảng cáo game… Mục đích hoạt động của ESRB là giúp cho người tiêu dùng, đặc biệt là các phụ huynh, có thể quyết định đúng khi mua game cho con em họ bằng cách đưa ra các thông tin phân loại tuổi và nội dung game.
Thông tin xếp hạng nội dung, tuổi được mua được ghi chú ngay trên bìa đĩa giúp phụ huynh biết rõ để chọn mua cho con em mình, cũng như để các chủ tiệm băng đĩa bán cho từng đối tượng đúng độ tuổi phù hợp.
Thế nhưng, tại Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, hiện nay chẳng có cơ quan nào quản lý game offline, để mặc nhiên chúng được bày bán công khai, độ tuổi nào cũng có thể thoải mái mua đĩa game offline mà chơi.
Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến (game online) hiện đã được áp dụng cho các game online khá chặt chẽ và cũng đã có thông tin sẽ được áp dụng cho cả game offline. Tuy nhiên, hiện nay, các game offline vẫn xuất hiện tràn lan mà không thấy bất cứ dấu hiệu gì khẳng định chúng được phân loại, kiểm soát rõ ràng.
Webgame “xã hội đen” cũng tràn lan
Sau khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý game online thì một bộ phận game thủ chuyển sang chơi game offline, số khác bắt đầu chuyển sang chơi một loại hình game khác - webgame (game chơi trực tiếp trên website kết nối internet, không cần cài đặt). Webgame đã nổi lên như là một “sân chơi” dễ dàng và thoải mái vì thường có server ở nước ngoài, rất khó quản lý, ngăn chặn, lại chỉ cần kết nối vào internet, truy cập vào website là có thể chơi ngay.
Các webgame này cũng đầy tính bạo lực, bài bạc, đặc biệt tính sex rất đậm đặc. Điểm qua một số webgame nổi tiếng đang được các game thủ thế giới và trong nước ưa thích, chúng tôi không khỏi giật mình.
Điển hình như webgame The Pimps, game thủ khi chơi sẽ “khởi nghiệp” với vị trí là một tay anh chị đường phố và các game thủ sẽ có cơ hội từ từ gây dựng một băng đảng cho riêng mình qua các trận chiến kinh hoàng, đẫm máu trên đường phố. Còn webgame Mafia MoFo là một webgame nhập vai lấy đề tài xã hội đen với các trận chiến, đấu súng đẫm máu để giúp game thủ có thể sở hữu những loại vũ khí hạng nặng và vị trí cao trong thế giới ngầm xã hội đen. Và còn có vô số webgame khác nữa đầy bạo lực, sex cũng xuất hiện đầy rẫy trên mạng mà giới trẻ vẫn có thể tiếp tục tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng mà chẳng hề bị ngăn chặn hay kiểm soát. |