1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ga Sài Gòn: Vé chợ đen từ đâu ra?

Trên website www.vetau.com.vn của Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn ghi dòng chữ lạnh lùng: "Hiện tại trên hệ thống website và e-mail không còn vé đi trong dịp Tết". Như vậy, những người khao khát về quê ăn Tết nhưng thiếu may mắn sẽ vô phương tìm được một tấm vé tàu? Không hẳn vậy...

Có tiền là có vé !

Sáng 28/12, trên đường vào cổng ga Sài Gòn, chúng tôi được đội ngũ "cò" khá đông đảo ở đây mời chào í ới: "Vé không anh ơi, đi đâu cũng có!". Vào phòng vé của ga Sài Gòn, chúng tôi nhận được câu trả lời "hết vé Tết rồi".

Chúng tôi đang đứng tần ngần trước phòng vé, một thanh niên tiến lại gần nói bâng quơ: "Trong quầy hết vé rồi, hỏi làm gì cho mệt. Muốn mua vé, trả tui ít tiền công rồi tui lấy vé cho. Đi ga nào, ngày nào cũng có".

Chúng tôi theo Bình, tên của người thanh niên vừa chào mời mua vé, ra một quán cà phê trước cổng ga Sài Gòn. Nghe chúng tôi nói cần mua 5 vé đi Đà Nẵng vào ngày 15/2 (28 Tết), Bình nói chắc như đinh đóng cột: "Rồi, muốn lấy vé ngay thì đưa tiền công 180 ngàn đồng/vé, mang theo chứng minh nhân dân (CMND). Còn đến ngày đó lấy vé thì tiền công 100 ngàn/vé, đặt cọc trước 200 ngàn. Tui dẫn vào tận nhà tui để làm "hợp đồng", khỏi lo chạy đi đâu hết".

Đưa ra lý do phải hỏi lại ý kiến người nhà, tôi xin số điện thoại của anh ta để liên hệ sau. Bình tỏ ra nghi ngại: "Anh cứ đến ga là gặp tui, khỏi điện thoại làm gì". Quay xe ra, vừa khuất tầm mắt của Bình, chúng tôi dừng lại trước cái ngoắc của một người phụ nữ. Giá vé của người này đưa ra cũng tương tự như trên nhưng khi thấy tôi cứ hỏi loanh quanh mà không thấy đưa tiền, "cò" lập tức thay đổi thái độ: "Thôi ông đi giùm cho, sáng giờ chưa bán được cái vé nào. Cứ đưa tiền đây mới nói tiếp được, có đăng lên báo cũng được!". Trong khi đang cò kè bỗng cả đám nhớn nhác rồi mạnh ai nấy chạy, thì ra có vài bóng công an vừa bước ra từ trạm gác ngay trước cổng ga.

Trước khi về, tôi lại bắt chuyện với một người đàn ông xưng tên Thành, để lại số điện thoại cũng với yêu cầu cần 5 vé đi Đà Nẵng, sau đó tôi rời khỏi ga Sài Gòn. Chưa đi được bao xa, Thành đã gọi điện thoại cho tôi nói: "Anh đem tiền đến lấy vé đi, có rồi nè". Hẹn lại buổi chiều đến lấy vé, thì nhận được câu trả lời: "Không lấy ngay thì không còn vé đâu". Tất cả những tay "cò" này khi được hỏi đều nói vé do nhân viên nhà ga bán riêng ra ngoài.

Mà không chỉ ở ga Sài Gòn mới có vé chợ đen, trụ điện ngay trước siêu thị CoopMart Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) cũng dán một tấm giấy với dòng chữ "Bán vé tàu tết", cùng số điện thoại di động để liên hệ. Vấn đề được rất nhiều người quan tâm là những tấm vé "chợ đen" được bán với giá cắt cổ kia từ đâu ra và có đúng là vé thật hay không?

"Chúng tôi đang cho kiểm tra"

Tiếp xúc với báo chí về vấn đề này chiều 28/12, ông Đỗ Quang Văn, Phó ga Sài Gòn nói: "Trường hợp họ trao vé lấy tiền ngay, tôi đã nghe rất nhiều và mong có những thông tin cụ thể, tức là có số vé để tôi kiểm tra, vì mỗi vé đều có nguồn xuất ra. Vé tàu Tết không chỉ được bán ở ga Sài Gòn, mà còn được bán tại nhiều ga khác, thậm chí tại Hà Nội người ta cũng mua được vé tàu Tết đi từ ga Sài Gòn. Rồi vé được bán ra từ các đại lý nối mạng, từ các đại lý mua vé hộ, từ vé của các cơ quan, đơn vị đăng ký mua vé tập thể, từ hình thức đặt chỗ mua vé qua mạng internet...".

Những người bán vé chợ đen nói rằng, vé của họ có được là nhờ nhân viên trong ga tuồn ra?

Tất cả họ đều nói vậy. Tôi vẫn tin là rất khó có khả năng nhân viên nhà ga tuồn vé ra chợ đen. Bởi vì nhà ga có nhiều biện pháp để kiểm tra. Biện pháp đầu tiên là quản lý về kỹ thuật, tức là mỗi vé khi xuất ra đều có lưu hết trong máy tên người bán, ngày giờ bán vé. Thứ hai, trên tất cả các vé tàu Tết đều có lưu lại chứng từ.

Việc phân phối vé cho các đại lý hiện nay như thế nào?

Có 2 dạng đại lý. Một là đại lý có nối mạng bán vé, tương tự như ga Sài Gòn, do Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quản lý; hai là đại lý mua vé hộ do ga Sài Gòn quản lý. Đại lý mua vé hộ, nói chính xác hơn là điểm dịch vụ mua vé hộ. Họ là một pháp nhân, có đăng ký kinh doanh mua vé hộ, mức giá dịch vụ họ chịu trách nhiệm theo giấy phép kinh doanh của họ.

Là dịch vụ mua vé hộ, nên họ có thu tiền dịch vụ và mức thu bao nhiêu là do thỏa thuận giữa chủ đại lý với khách. Nguồn vé tàu Tết của các điểm dịch vụ mua vé hộ do ga Sài Gòn cung cấp, số lượng nhiều hay ít tùy theo doanh thu hằng năm của họ. Các điểm dịch vụ mua vé hộ khi bán vé tàu Tết cho khách cũng ghi tên, số CMND theo quy định của ngành đường sắt.

Vé từ các điểm dịch vụ này có thể chạy ra ngoài chợ đen?

Tôi cũng nghĩ đến điều đó và đang cho kiểm tra.

Những người bán vé chợ đen khá đông, nhà ga có nhận biết hết gương mặt của họ?

Dân bán vé chợ đen chuyên nghiệp ngày thường chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là bán vé thanh toán, họ hoạt động quanh năm suốt tháng ở khu vực nhà ga. Hồ sơ, lý lịch của họ chúng tôi cùng với Công an phường nắm hết. Nhưng đến dịp Tết thì có thêm những người cò mồi chợ đen, tôi tạm gọi là những người cơ hội, rất nhiều. Họ chủ yếu làm nhiệm vụ bắt khách, khi có khách thì mới nhờ đến những người bán vé chợ đen.

Trên đường Nguyễn Kiệm có một miếng giấy được dán trên trụ điện ghi số điện thoại bán vé tàu Tết, nhà ga có biết chuyện này?

Tôi mới vừa nghe và đang cho kiểm tra chuyện này (ông Văn lấy từ trong túi ra miếng giấy có ghi số điện thoại như PV đề cập). Tiếc rằng pháp luật không có điều khoản nào để xử phạt những người bán vé chợ đen.

Lẽ nào nhà ga bó tay trước tình trạng này?

Không thể nào bó tay được. Tụi tôi mà bó tay thì sân ga này đầy người bán vé chợ đen. Chúng tôi có những biện pháp để hạn chế, mà biện pháp cơ bản nhất là bán vé có ghi tên và số CMND của người đi tàu.

Theo Mai Vọng - Trung Bảo
Báo Thanh niên