1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ga ngầm C9 làm tăng giá trị hay nguy cơ cho di sản Hồ Gươm?

(Dân trí) - Tranh luận chuyện ga tàu điện ngầm hút thêm khách tới Hồ Gươm làm tăng giá trị hay mang lại những nguy cơ cho di sản, các chuyên gia quy hoạch, thiết kế đô thị Nhật Bản nêu câu chuyện tại xứ sở mình. Các chuyên gia địa chất Việt Nam thì quan ngại về những rủi ro từ trong lòng đất.

Tiến sĩ Saori Kishihara - Phòng Thiết kế đô thị, Đại học Tokyo đã tới Hà Nội nhiều lần để nghiên cứu về những khu phố cổ của thủ đô Việt Nam. Lần làm việc gần đây nhất, trao đổi về ga ngầm C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội dự kiến xây dựng sát Hồ Gươm, TS.Saori không giấu lời… can gián.

TS.Saori khuyến cáo, việc chỉ đặt tuyến tàu điện ngầm mà không phối hợp với các yếu tố khác như mạng lưới xe buýt, du lịch và các hoạt động di chuyển và đưa người đến, nhà ga mới sẽ khiến khu vực trở nên hỗn loạn hơn. Theo chuyên gia thiết kế đô thị này, nhà ga có thể xây dựng bằng công nghệ tiên tiến nhưng mối quan tâm lớn nhất cần tính là làm sao đối phó với áp lực du lịch gia tăng trên đường phố khi nhà ga này đi vào hoạt động.

Kế hoạch làm ga ngầm C9 cùng tuyến đường sắt đô thị số 2 nên được xem xét cùng với sự phối hợp giao thông phù hợp và cải thiện quản lý du lịch để dòng người mới và tác động của họ không tạo thêm gánh nặng cho di tích lịch sử, đảm bảo bảo tồn nhà cửa, công trình cũng như hoạt động giao dịch truyền thống và đời sống cộng đồng.

Theo đó, việc đặt ga C9 tại Hồ Gươm có thể tạo áp lực mới với khu vực di sản bởi gia tăng số lượng khách đến đây, cản trở hoạt động trên tuyến phố đi bộ.

Ga ngầm C9 làm tăng giá trị hay nguy cơ cho di sản Hồ Gươm? - Ảnh 1.

Kinh nghiệm của Tokyo, đường sắt đô thị liên tục được hiện đại hóa trong hơn một trăm năm qua nhưng những nơi tuyến đường đi qua, cảnh quan cây xanh, mặt nước luôn được trân trọng, bảo tồn và phát triển.

Giáo sư Aya Kubota là chuyên gia thiết kế quy hoạch theo đặc trưng lãnh thổ của Đại học Tokyo cũng tới Hà Nội để chia sẻ bài học bảo tồn cảnh quan văn hóa của thủ đô Nhật bản. Theo bà Aya, Tokyo từ thời Edo đã là một khu vực có diện tích cây xanh mặt nước lớn. Đây là yếu tố mà Tokyo rất coi trọng trong phát triển đô thị trong lịch sử cũng như hiện tại. Không gian cây xanh mặt nước không chỉ mang giá trị cảnh quan mà còn là nơi tập trung, ẩn nấp của mọi người khi có rủi ro thiên tai.

Ga ngầm C9 làm tăng giá trị hay nguy cơ cho di sản Hồ Gươm? - Ảnh 2.

Khu phố cổ Yanaka (Tokyo) có các tuyến tàu điện ngầm và nhà ga chạy bên ngoài khu vực có những vườn hoa anh đào nổi tiếng, cách xa từ 8-150m.

TS.Lê Quỳnh Chi (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng Hà Nội) có nhiều năm sống tại Nhật Bản cũng đồng tình với những kiến giải của các đồng nghiệp nước bạn về việc xây dựng các nhà ga tiếp cận di sản tại Tokyo, Kyoto.

Theo TS.Quỳnh Chi, thành Nijojo và cung điện Kyoto tại Nhật được bao quanh bởi các vườn cây, hào nước và khu dân cư mật độ không quá cao vì nơi đó không phải là trung tâm thành phố. Còn cung điện Hoàng gia Tokyo gần khu trung tâm thương mại Marunouchi nhưng hai khu được phân tách rõ ràng với quảng trường rộng, đủ không gian để tiết giảm lưu lượng. Cùng với hệ thống giao thông hợp lý, nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân và du khách đều được phục vụ tốt.

3 di sản tại Nhật khác với Hồ Gươm và khu phố cổ Hà Nội ở chỗ, trung tâm quận Hoàn Kiếm có sự pha trộn giữa khu dân cư và thương mại.

Kiến trúc sư Shinichi Mochizuki - Giám đốc công ty Tư vấn thiết kế đô thị quốc tế UDI phân tích, mục đích đặt ga tàu điện ngầm tại Hồ Gươm nhằm thúc đẩy tối đa số lượng người có thể đi lại thuận tiện từ bên ngoài mà không sử dụng phương tiện cá nhân tới đây. Tuy nhiên, ga ngầm C9 như đề xuất không phù hợp nếu chiếu theo nguyên tắc này.

Tuyến đường sắt, nhà ga chạy qua đây, nếu để thu hút người dân tới trụ sở UBND Hà Nội thì sai lầm vì không có nhiều dịch vụ công được giải quyết tại đây. Như vậy, tuyến giao thông này chủ yếu hướng tới phục vụ khách du lịch. Như vậy cũng gây áp lực lớn với khu vực.

Theo ông Mochizuki, vị trí ga C9 phải đặt trong tổng thể kết nối đường sắt đô thị Hà Nội. Rất cần một tuyến xe điện hiện hữu trên đường phố chứ không phải đi ngầm, để kết nối 36 phố phường khu phố cổ. Như vậy, Hà Nội cần giải pháp tích hợp trong tổ chức giao thông của quận Hoàn Kiếm với tuyến đường sắt đô thị số 2 chứ không phải là kéo tuyến đường đó vào trong lòng phố cổ.

PGS. TS. Trần Tuấn Anh - Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có nền móng địa chất yếu, nhưng Hà Nội chưa tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giá tác động khi làm dự án.

Ga ngầm C9 làm tăng giá trị hay nguy cơ cho di sản Hồ Gươm? - Ảnh 3.

Bản vẽ của BQL đường sắt mô tả phạm vi ảnh hưởng của ga C9 tới Hồ Gươm

Cũng đến từ Viện Địa chất, TS. Nguyễn Quốc Thành phân tích cụ thể, Hà Nội được cấu tạo từ các trầm tích trẻ có bề dày khá lớn phủ trên các đá gốc cát kết, sét kết, cuội kết của Neogen… Sự hình thành các hồ nước Hà Nội đã chỉ ra có sự liên quan chặt chẽ với nhau, liên quan tới các dòng sông cổ. Sự chuyển dịch của lòng sông Hồng từ phía Tây Nam lên Đông Bắc đã để lại dấu tích hai hồ nước lớn là Hồ Tây và hồ Yên Sở, đồng thời kéo theo nó là một loạt các hồ được hình thành trên khu vực bãi bồi thấp như hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang… Các hồ này đều có liên thông thủy lực với các dòng sông cổ của Hà Nội.

Xây dựng ga C9 bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, theo TS.Thành, có khả năng phá hủy tầng cách nước. Hoạt động đào bới sẽ dẫn đến sự liên thông thủy lực với các dòng chảy cổ quanh khu vực hồ, dễ gây mất nước hồ. Hạ thấp mực nước dưới đất, cùng các rung động khi thi công các công trình này sẽ bị ảnh hưởng. Các công trình xung quanh hồ sẽ khó tránh khỏi bị biến dạng và hư hại…

“Chúng tôi cho rằng nên chuyển ga C9 khỏi khu vực hồ Hoàn Kiếm và đặt tại những vị trí có điều kiện địa chất và thủy văn phù hợp hơn” – các chuyên gia địa chất khuyến cáo.

KTS Trần Huy Ánh