“Gã đào hoa” bán trà đá vỉa hè, làm thơ
(Dân trí) - Gọi ông là “nhà thơ vỉa hè” cũng được, gọi là lão bán trà đá ông cũng gật đầu. Tìm được nguồn cảm xúc thì ông làm thơ, treo đầy quán trà đá của mình. Ai xin thì cho, ai mua ông cũng bán.
Quán trà đá của ông Long lúc nào cũng đông khách tới uống nước, bình thơ
Bán nước và làm thơ
Quán trà đá vỉa hè nằm đối diện với số nhà 94 đường Bưởi, Hà Nội, lúc nào cũng đông khách. Người đi trên đường qua quán trà này không mấy ai không ngoái lại tò mò nhìn những tờ lịch to được chép kín thơ, treo ngay ngắn ở vỉa hè. Có người đọc xong im lặng, cũng có người trầm trồ thán phục khen ý thơ, tứ thơ…
Ông Nguyễn Hữu Long - chủ quán nước và kiêm luôn “nhà thơ” - cho biết, ông bắt đầu bán nước từ tháng tư năm nay, thời gian đầu mới mở quán ít khách nên ông lấy mấy tờ tranh, lịch ra chép lại những bài thơ do chính ông sáng tác lên mặt sau rồi cẩn thận treo lên hàng rào lưới sắt để tự thưởng thức. Không ngờ nhiều người đi đường thấy lạ dừng xe ghé vào uống nước và đọc thơ. Càng ngày lượng khách càng đông, họ không chỉ đọc, cảm nhận, phân tích rôm rả mà còn góp ý những câu, từ theo họ là chưa hay; khuyên ông nên thay sao cho hợp lý và hay hơn…
“Có những vị khách đến uống nước đọc thơ và hỏi: Sao bác không mang thơ đi in mà lại treo lên thế này? Tôi cũng thật thà trả lời họ là chưa có điều kiện, còn treo lên thế này là để thỏa lòng đam mê thôi”, ông Long chia sẻ.
Nhờ có năng khiếu và lòng đam mê thơ ca, ông Long còn thu hút được cả những vị khách là các cô cậu học trò, vào uống nước rồi mang thơ ra nhờ ông phân tích, bình luận. Cũng có khi gặp người yêu thơ ông, muốn mua thơ là ông bán. Nhưng gặp người xin thơ ông cũng sẵn lòng cho luôn.
Ông tâm sự: “Mình làm như vậy chỉ để vui tuổi già thôi, không có ý gì cả”.
Vốn là người có thói quen ăn mặc chỉn chu nên bây giờ ngồi bán trà đá ông cũng vẫn giữ cho mình thói quen mặc áo trắng, đeo cà vạt. Ông bảo: “Nhiều người bảo tôi là dị nhân, hâm, dở khi ngồi bán trà đá mà làm như công chức nhà nước. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Mình ăn mặc như vậy không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn thể hiện sự tôn trọng với khách”.
Lẻ bóng về già
Vốn được coi là người đào hoa nhưng khi chia sẻ với tôi về chuyện tình cảm cá nhân, ông đọc luôn 2 câu thơ: “Tiền vàng tôi chẳng nợ ai/ Nợ duyên cũng có một vài người thương”.
Sau đó ông Long cưới người vợ đầu quê ở Khuyến Lương (Thanh Trì, Hà Nội). Có với nhau được 4 mặt con nhưng rồi hạnh phúc ấy cũng không giữ được. Ông đành ngậm ngùi cảnh giường đơn gối chiếc. Ông bảo, số ông đào hoa nhưng trời bắt sống một mình. Kể cả bây giờ cũng có nhiều người muốn làm bạn đời tuổi già với ông nhưng ông không muốn bận lòng thêm chuyện tình cảm.
Giờ niềm vui của ông là quán nước vỉa hè, câu lạc bộ thơ ca phường Nghĩa Đô, câu lạc bộ thơ ca quận Cầu Giấy… Với ông, thơ là để trải lòng, và những tờ lịch chép thơ treo bên quán trà đá là cách ông Long chia sẻ lòng mình với mọi người.
Cuộc đời với ông giờ thanh thản nhẹ nhàng như bài thơ ông viết: “… Ta nghèo nhưng lại thấy hay/ Lương tâm thanh thản chẳng vay chẳng phiền/ Có tiền nhiều của vẫn buồn…”
Hà Văn Long