1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Flycam lạ bị dọa bắn hạ ở trận Việt Nam - Myanmar: Luật quy định thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Hành vi quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép của cơ quan chức năng có thể bị phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng. Mức phạt tiền sẽ lên tới 20- 30 triệu đồng nếu không có giấy phép bay.

Như Dân trí thông tin, khi trận đấu giữa U23 Việt Nam với Myanmar tối 13/5 vừa mới bắt đầu, một chiếc flycam lạ (máy bay quay phim, chụp ảnh không người lái) không rõ người điều khiển bỗng nhiên xuất hiện trên không trung và gây ảnh hưởng đến công tác an ninh của trận đấu. Không lâu sau đó, chủ sở hữu flycam buộc phải tuân thủ yêu cầu của ban tổ chức và hạ flycam xuống.

Đại diện lực lượng an ninh của tỉnh Phú Thọ cho biết có thể xử lý những flycam lạ bằng thiết bị phá sóng. Thiết bị này sẽ khiến các flycam bị mất tín hiệu, bay vô định và rơi xuống sau khi cạn pin.

Với những mẫu flycam tân tiến, thiết bị phá sóng dù không bắn hạ được nhưng cũng buộc nó bay trở về với chủ nhân và lực lượng an ninh dễ dàng định vị được người điều khiển.

Trước đó, khi quay cảnh pháo hoa chào đón năm mới 2020 tại TPHCM, hàng loạt flycam đã bị bắn hạ bởi thiết bị áp chế máy bay không người lái, có tên gọi là CA-18.

Flycam lạ bị dọa bắn hạ ở trận Việt Nam - Myanmar: Luật quy định thế nào? - 1

Lực lượng quân đội với các thiết bị chuyên dụng trên khán đài A sân Việt Trì sẵn sàng phá sóng các flycam bay trái phép trên không trung khi trận đấu giữa U23 Việt Nam và Myanmar diễn ra (Ảnh: Hoàng Anh).

Vậy các quy định về việc xử phạt đối với hoạt động bay của flycam hiện nay như thế nào?

Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phòng chống bạo lực gia đình được Chính phủ ban hành vào cuối năm 2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022) đã quy định rất chi tiết, cụ thể về việc xử lý vi phạm trong quá trình sử dụng tàu bay không người lái hoặc phương tiện bay siêu nhẹ.

Theo đó, hành vi sử dụng flycam hoặc phương tiện bay siêu nhẹ chưa được đăng ký cấp phép bay hoặc tổ chức các hoạt động bay khi chưa có giấy phép hoặc đã đăng ký nhưng điều khiển bay không đúng thời gian, địa điểm, khu vực, tọa độ, giới hạn cho phép sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Việc không có đủ hồ sơ, tài liệu mang theo khi khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; tổ chức các hoạt động bay chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, đủ điều kiện cũng bị phạt 1-2 triệu đồng.

Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng nếu thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ không có đủ hồ sơ, tài liệu pháp lý được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc đăng ký theo quy định.

Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng nếu sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn, phát loa tuyên truyền ngoài quy định của phép bay.

Cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 5- 8 triệu đồng trong trường hợp quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Phạt tiền từ 6- 8 triệu đồng với hành vi quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép; nếu thực hiện hoạt động bay không đúng nội dung trong phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ lên tới 20- 30 triệu đồng với hành vi thực hiện hoạt động bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp. Phạt tiền từ 30- 40 triệu đồng với hành vi sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ cản trở hoặc gây mất an toàn cho các phương tiện bay khác.

Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm cơ quan chức năng còn có thể xem xét hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và tước quyền sử dụng giấy phép tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Flycam lạ bị dọa bắn hạ ở trận Việt Nam - Myanmar: Luật quy định thế nào? - 2

Điều 9 Nghị định 36/2008 được sửa đổi bởi Nghị định 79/2011 quy định hồ sơ xin cấp phép sử dụng flycam bao gồm: Đơn đề nghị cấp phép bay; giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước; các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay…

Phát triển rất nhanh, xâm phạm cả khu vực quân sự

Trước khi Nghị định 144/2021 ra đời, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 02/CT-TTg về việc tăng cường biện pháp quản lý, giám sát đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

"Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phát triển rất nhanh chóng và đa dạng. Các phương tiện bay này được ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên những thiết bị bay này cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không; đặc biệt khi tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ bị các lực lượng phản động, chống đối sử dụng làm công cụ để thực hiện các hành vi khủng bố, phá hoại sẽ gây hậu quả khó lường"- Chỉ thị 02 nêu rõ.

Chỉ thị 02 cũng cho biết, trên thế giới đã có nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ mang vũ khí nhằm tiêu diệt các mục tiêu quân sự, ám sát lãnh tụ, tấn công vào các mục tiêu quan trọng của quốc gia, vùng lãnh thổ thù địch.

Tại Việt Nam trong vài năm gần đây đã phát hiện và xử lý nhiều vụ sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ trái phép như: Bay không có phép bay, bay vào khu vực cấm bay; đối tượng chống đối sử dụng tàu bay không người lái ghi hình hoạt động biểu tình phát tán trên trang mạng xã hội để tuyên truyền kích động các hoạt động chống phá... Một số đơn vị Quân đội cũng đã phát hiện tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ xâm phạm khu vực quân sự. Đáng chú ý các vụ vi phạm trong sử dụng tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ gia tăng cả về số lượng và tính chất nguy hiểm.

Flycam lạ bị dọa bắn hạ ở trận Việt Nam - Myanmar: Luật quy định thế nào? - 3

Hiện nay máy bay không người lái siêu nhẹ, flycam được mua bán rất dễ dàng.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với bộ ngành liên quan xây dựng quy định mới về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; xây dựng quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ công khai đến mọi tổ chức, cá nhân biết để thực hiện.

Bộ Công an phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng điều tra, rà soát, yêu cầu khai báo đối với các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Quản lý các tổ chức, cá nhân sở hữu tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ thông qua việc khai báo, đăng ký tại các địa bàn. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện xác định các hành vi vi phạm và chế tài xử lý hành chính trong hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ…

Xin giấy phép bay ở đâu?

Điều 9 Nghị định 36/2008 được sửa đổi bởi Nghị định 79/2011 quy định hồ sơ xin cấp phép sử dụng flycam bao gồm: Đơn đề nghị cấp phép bay; giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất cánh, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất, mặt nước; các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay, phương tiện bay…

Người có nhu cầu xin cấp phép bay flycam nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), địa chỉ ở Số 1 Nguyễn Tri Phương, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Hồ sơ đầy đủ phải được gửi về Cục tác chiến chậm nhất 14 ngày trước ngày dự kiến dự kiến tổ chức các chuyến bay.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.