1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Duyệt” quyền sở hữu nhà không hạn chế cho Việt kiều

(Dân trí) - Hơn 87% đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều 126 luật Nhà ở và điều 121 luật Đất đai sửa đổi về việc mở quyền mua nhà, sở hữu nhà cho Việt kiều, theo đó từ 1/9 tới, 70% Việt kiều còn quốc tịch được quyền mua nhà ở không hạn chế.

Với quy định sửa đổi này, ngoài người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch, một số đối tượng người gốc Việt khác cũng được hưởng quyền sở hữu nhà đầy đủ như công dân trong nước.
 
Đó là những người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước đảm bảo điều kiện được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên.
 
Các đối tượng trên sẽ được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất không hạn chế số lượng, với đầy đủ các quyền như bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước; thế chấp nhà đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam; được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng…
 
“Duyệt” quyền sở hữu nhà không hạn chế cho Việt kiều - 1
70% trong số 3 triệu Việt kiều có thể được mua, sở hữu nhà như công dân trong nước (ảnh: hochiminhcity.gov.vn).
 
Như vậy, khoảng 70% trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài vẫn đang giữ quốc tịch gốc cùng đông đảo kiều bào về nước đầu tư, đóng góp xây dựng đất nước được khuyến khích, đảm bảo quyền sở hữu nhà như công dân trong nước.
 
Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng trên đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
 
Với việc “nới” quyền tối đa dẫn tới băn khoăn, lo lắng của nhiều đại biểu qua các phiên thảo luận trước đó về khả năng lợi dụng chính sách để đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời, gây biến động bất lợi cho thị trường nhà đất, UB thường vụ QH cho rằng có thể điều chỉnh bằng các quy định về chính sách thuế (luật thuế Thu nhập cá nhân, luật thuế Giá trị gia tăng và sắp tới sẽ có luật thuế nhà, đất) và giao dịch bất động sản.
 
Thường vụ QH cũng “trấn an” đại biểu là luật sửa đổi cũng đã thiết kế nhiều “khóa” như quy định về mục đích mua nhà “để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam”.
 
Việc này nhằm mục đích để cho người sở hữu nhà ở có ý thức rõ về mục đích sử dụng và để Chính phủ phải có các quy định cụ thể, các điều kiện ràng buộc tránh sử dụng nhà không đúng mục đích.
 
UB thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu, chỉnh lý một số chi tiết trong dự thảo luật theo góp ý của các đại biểu. Quy định về đối tượng “nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu” đã được thiết kế lại, chặt chẽ hơn thành “mà các cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu”.
 
Các cơ quan, tổ chức này bao gồm: cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nhiệp, tổ chức kinh tế... của Việt Nam được nhà nước cho phép.
 
Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/9/2009. Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành cũng đã được Chính phủ chuẩn bị và hiện đang tiếp tục hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các đại biểu.
 
P.Thảo