1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Duy trì hòa bình trên Biển Đông là nguyện vọng chung của nhiều quốc gia

(Dân trí) - Trước việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam và là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 21/5, vấn đề Biển Đông tiếp tục nhận được sự quan tâm của phóng viên.

 Người Phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam Lê Hải Bình

 Người Phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam Lê Hải Bình

Trả lời câu hỏi của phóng viên về biện pháp bảo hộ công dân trước việc Trung Quốc vừa qua đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không tách rời của Việt Nam và vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam từ bao đời nay”.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân Việt Nam tại các vùng biển biển Việt Nam để kịp thời xử lý những vụ việc phát sinh trên biển”, ông Bình cho biết.

Trước đó ngay sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm này, ông Lê Hải Bình đã khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết phản đối quyết định vô giá trị này. Việc phía Trung Quốc ra thông báo phạm vi và thời gian nghỉ đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển của Việt Nam theo đúng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.

Lệnh cấm đánh bắt cá do chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, ban hành cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển từ 12h00 ngày 16/5/2015 đến 12h00 ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12o vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm vịnh Bắc Bộ).

Liên quan đến việc Trung Quốc vừa đưa tàu tuần tra và tàu du lịch trái phép ra Hoàng Sa, ông Bình cho hay: “Như chúng tôi nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không có có sự chấp thuận của Việt Nam là vô giá trị và bất hợp pháp”.

Đề cập đến hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc đã đưa trở lại Biển Đông gần đây, theo ông Bình, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động của các bên ở Biển Đông, trong đó có hoạt động của giàn khoan này.

Về việc các máy bay trinh sát của Mỹ bị tàu hải quân Trung Quốc xua đuổi nhiều lần trên Biển Đông khi bay tới gần đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang ồ ạt xây dựng, ông Lê Hải Bình cho rằng: Biển Đông là tuyến hàng hải, hàng không quan trọng của thế giới. Việc duy trì hòa bình, ổn định hàng hải, hàng không ở Biển Đông là nguyện vọng chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam kêu gọi các nước liên quan có đóng góp trách nhiệm và tích cực vào việc duy trì hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông đồng thời tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật biển 1982".

Trước thông tin hôm 20/5, Indonesia đánh chìm một tàu cá lớn của Trung Quốc và hàng chục tàu cá nước ngoài khác, ông Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ xác minh xem có tàu cá nào của Việt Nam bị ảnh hưởng hay không.

“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia để xác minh vấn đề, đồng thời chúng tôi một lần nữa cho rằng Indonesia cần quan tâm đến mối quan ngại của các nước liên quan, và xử lý thỏa đáng vấn đề tàu cá và ngư dân trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân”, ông nói.

Nam Hằng