1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bạc Liêu:

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại

Huỳnh Hải Cao Xuân Lương

(Dân trí) - Mưa lớn cộng thêm nhiều phương tiện thủy chạy trên sông đã khiến tuyến đường vào ngôi chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây đang bị sạt lở khá nghiêm trọng.

Những ngày qua, tuyến đường bê tông vào chùa Hưng Thiện - ngôi chùa có tượng Phật Quan Âm cao nhất miền Tây (cao hơn 43 m) - ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 1

Tuyến đường có nhiều điểm bị sạt lở phải gia cố tạm (Ảnh: HH).

Theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường dài khoảng 3 km nằm cạnh bờ sông, đã có ít nhất 10 điểm sạt lở khá nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa an toàn giao thông do chùa Hưng Thiện hàng ngày có rất đông người dân đến thăm viếng.

Hiện nhiều xe ô tô chở khách đi viếng chùa không được chạy vào tuyến đường mà phải dừng lại bên ngoài, khách xuống đi đò hoặc xe máy vào trong chùa.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 2

Một điểm sạt lở bờ sông đã ăn sâu vào tuyến đường (Ảnh: HH).

Ngoài những vị trí sạt lở thấy rõ và được cảnh báo, trên tuyến đường này còn nhiều vị trí khác có dấu hiệu bị sạt lở cao, trong khi đang bắt đầu vào mùa mưa.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 3

Hầu như phần đất phía dưới chân tuyến đường đã bị mất hết vì sạt lở (Ảnh: HH).

Theo lãnh đạo UBND xã Hưng Hội, nguyên nhân sạt lở có thể do vừa qua có mưa lớn cùng với các phương tiện đường thủy đưa rước khách ra vào chùa Hưng Thiện thường xuyên dẫn đến nước đập mạnh vào chân đường gây sạt lở đất.

Trước mắt, chính quyền địa phương phối hợp ngành chức năng tiến hành tạm thời gia cố lại các vị trí sạt lở bằng cừ tràm và đất. Còn về lâu dài cần có giải pháp khắc phục kiên cố bằng bê tông.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 4

Chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), nơi có tượng Phật Quan Âm cao nhất miền Tây (Ảnh: HH).

Tại Sóc Trăng, cơ quan chức năng địa phương đang triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Hậu nghiêm trọng.

Ngày 11/5, ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng - cho biết, cơ quan chức năng của huyện vừa phối hợp với Trạm Quản lý thủy nông và UBND xã An Thạnh Đông tiến hành gia cố tạm thời bằng cừ tràm và bao đất tại 2 điểm sạt lở sát thân đê tả, hữu trên địa bàn xã này với chiều dài khoảng 60 m.

Theo ông Đắc, việc gia cố này nhằm hạn chế tình trạng sạt lở tại thân đê, đảm bảo cho các tuyến đê tả, hữu trên địa bàn không bị sạt lở thêm, giúp cho việc lưu thông của người dân được thông suốt, an toàn, không bị ách tắc khi bước vào mùa mưa.

Riêng đoạn sạt lở thuộc địa bàn xã Đại Ân 1, huyện đang xin chủ trương của tỉnh vì những đoạn đê bao này thuộc dự án đê bao tả, hữu.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 5

Tình hình sạt lở bờ sông Hậu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng rất phức tạp (Ảnh: XL).

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, hiện nay một số đoạn đê xung yếu trên địa bàn xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, có nguy cơ bị vỡ do sóng triều xâm thực mạnh vào thân đê.

Để bảo vệ an toàn tài sản của người dân các khu vực bị ảnh hưởng, Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cho phép khẩn cấp nâng cấp đê và gia cố các điểm sạt lở trên địa bàn 2 xã An Thạnh Đông và Đại Ân 1.

Đường vào chùa có tượng Quan Âm cao nhất miền Tây sạt lở, cấm ô tô đi lại  - 6

Hiện nay, các ngành chức năng chỉ tạm thời khắc phục các điểm sạt lở để tránh tình hình nghiêm trọng thêm (Ảnh: XL).

Ông Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ sông gây thiệt hại đường giao thông nông thôn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng công cộng... trên địa bàn huyện Cù Lao Dung xảy ra ngày càng nhiều, cao điểm nhất là vào tháng mưa lũ, triều cường dâng cao.

Từ đầu năm 2022 đến nay, sạt lở bờ sông Hậu tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, qua khảo sát đã có khoảng 30 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài trên 1.500 m thuộc địa bàn xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông. Ở khu vực này có khoảng 300 hộ dân đang sinh sống và trên 300.000 m2 nuôi thủy sản, 400 ha trồng cây ăn trái, hoa màu. Sạt lở đã làm vỡ bờ bao nuôi tôm của dân phía ngoài đê và lấn sâu vào sạt lở hết chân và mái đê bao tả, hữu huyện Cù Lao Dung.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 27/4, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở nguy hiểm bờ sông Hậu trên địa bàn huyện Cù Lao Dung. Cụ thể, khu vực sạt lở bờ sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1 của huyện này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm