DMagazine

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách "ngàn tỉ" gửi đến Thủ tướng

(Dân trí) - Mặt bằng chưa thể bàn giao, thiếu vốn, thiếu cơ chế là những nguyên nhân kinh điển của hầu hết dự án mang tính cấp bách của TPHCM đang trễ hẹn.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 1

Năm 2018, tòa tháp Landmark 81 được khánh thành và đi vào hoạt động sau hơn 3 năm thi công. Với chiều cao 461,3 m, công trình đã vượt mặt hàng loạt biểu tượng của khu vực để trở thành tòa nhà gần với bầu trời nhất Đông Nam Á và lọt top những tòa nhà cao nhất thế giới.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 3

Với chiều cao 461,3 m, Landmark 81 lọt top những tòa nhà cao nhất thế giới (2018).

Cách đó hơn một km, những cư dân sinh sống tại phía đông Sài Gòn chứng kiến sự chuyển mình từng ngày của khu đất ven sông. Nhưng khác xa với sự nâng tầm của khu vực xung quanh tòa nhà chọc trời, nơi họ sống, mùi hôi thối của kênh rạch, ngập nước, kẹt xe vẫn không có gì thay đổi.

Khi thông tin về tòa tháp 81 tầng chỉ là lời đồn đại với họ, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được người dân nơi đây tiếp cận theo cách "chính ngạch" hơn. Từ năm 2002, dự án chính thức được Chính phủ phê duyệt. Đằng đẵng gần 20 năm, từng đoàn khảo sát đến đo đạc, các lãnh đạo từ phường đến thành phố đưa ra những cột mốc thực hiện, nhưng dự án thay màu cho dòng nước đen vẫn chỉ nằm trên giấy.

"Dự án rạch Xuyên Tâm chưa thể làm được đơn giản vì chưa có tiền", Phó chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân về sự chậm trễ của dự án trên tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Bình Thạnh.

Rạch Xuyên tâm là một trong những minh chứng điển hình nhất cho bất cập của TPHCM - đô thị lớn nhất cả nước, trong vấn đề thiếu vốn, thiếu nguồn lực đầu tư để phát triển. Với hiệu quả sử dụng vốn cao, đóng góp hơn 22% GDP cả nước và chiếm 27% tổng thu ngân sách hàng năm, TPHCM chỉ được giữ lại ngân sách 18%, thấp nhất trong các địa phương, khiến thành phố gặp khó khăn trong cân đối, bố trí nguồn vốn cho các công trình mang tính cấp bách.

Năm 2002, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt với tổng vốn 123 tỷ đồng. Sau những lần ngưng, tái thực hiện và thay đổi nhà đầu tư, đến năm 2021, tổng mức đầu tư được nâng lên thành 9.400 tỷ đồng và chưa hẹn ngày khởi công.

Đứng sừng sững gần đó, tòa nhà đang từng ngày trở thành biểu tượng của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng các dự án thành phần nằm trên khu đất gần 44 ha Tân Cảng hoàn thành sau hơn 1.400 ngày thi công, với tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 4
Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 5
Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 6

Năm 2003, TPHCM được giữ lại 23% tổng thu ngân sách, tuy nhiên đến thời kỳ điều tiết ngân sách 2017-2020, TP chỉ còn giữ lại 18% tổng thu. Trong bối cảnh nhu cầu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng kết hợp với nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai ngày càng cao, thành phố đang hứng chịu những hệ lụy rõ nét do thiếu nguồn lực.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, nhận định 18% ngân sách giữ lại là tỷ lệ thấp và không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong bối cảnh quy mô kinh tế của TPHCM ngày càng mở rộng. Dưới góc nhìn của một nhà quy hoạch lâu năm tại thành phố, ông cho rằng hạ tầng giao thông đô thị, chống ngập hay an sinh xã hội sẽ gặp bất lợi nếu tỷ lệ không tăng thêm.

Sau một kỳ ngân sách, bất lợi về vốn ngày càng được bộc lộ rõ nét qua những thống kê "biết nói". Với vị thế là trung tâm tài chính - kinh tế lớn nhất cả nước nhưng TPHCM đang dần lạc hậu. Do chậm mở rộng và nâng cấp, mật độ đường giao thông của thành phố là 2,17km/km2, chỉ đạt khoảng 20% quy chuẩn mật độ đường đô thị (10-13,3km/km2).

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 8

Theo danh mục các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020 UBND TPHCM ban hành, 172 dự án dự kiến hoàn thành. Tuy nhiên hiện tại, chỉ 37 dự án được hoàn thành, 70 dự án chưa thực hiện và 65 dự án đang ngừng thi công.

Trước những kỳ vọng của người dân về một đô thị thông minh, hiện đại… thì kẹt xe, ngập nước vẫn là vấn đề cố hữu của TPHCM và chưa có hướng giải quyết triệt để.

Sau những kỳ nghỉ lễ, người dân từ các tỉnh miền Tây vẫn phải nhích từng bước tại khu vực cửa ngõ. Trong giờ tan tầm hay cao điểm, tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) vẫn là nỗi ám ảnh đối với người điểu khiển phương tiện giao thông.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 9

"Giờ cao điểm, thời gian người dân đi làm và tan tầm, tại giao lộ chính, cửa ngõ của thành phố cần hạn chế thấp nhất ùn tắc. Việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng sẽ giúp thành phố thật sự là điểm đến của du khách quốc tế, nơi mọi người đến tham quan, lập nghiệp đều cảm thấy hài lòng", bà Phạm Bích Hường sinh sống tại quận 1 tiếp tục đề đạt nguyện vọng của người dân tới Chủ tịch UBND TPHCM tại buổi gặp gỡ cử tri hôm 13/5 vừa qua.

Thành phố 9 triệu dân còn đang chịu sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ qua, TPHCM mới xây mới và cải tạo được 2.757km/6.000km hệ thống cống thoát nước; nạo vét được 129km/4.369km kênh, rạch.

Tại buổi trực tiếp khảo sát tuyến rạch Xuyên Tâm hồi cuối tháng 4, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhận định sự ô nhiễm của dòng nước đã ở mức kinh khủng, cuộc sống người dân cần được cải thiện ngay.

Với việc nâng vốn lên gấp 75 lần sau gần 20 năm, dự án rạch Xuyên Tâm không chỉ đơn thuần dừng lại ở mục tiêu cải thiện môi trường. Người đứng đầu chính quyền TPHCM phân tích, với 9.400 tỷ vốn đầu tư bỏ ra, địa bàn sẽ có chuyển biến lớn về chỉnh trang đô thị, sắp xếp lại dân cư ven kênh, rạch, tăng kết nối giao thông và xa hơn là phát triển du lịch đường thủy, kết nối với sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, với việc cần đến gần 5.000 tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho con rạch, thành phố cần xin ý kiến Trung ương xem xét bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo, trong bối cảnh ngân sách thành phố eo hẹp.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 10
Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 11

"Không chỉ gặp điểm rối trong đầu tư hạ tầng, TPHCM sẽ gặp khó khăn trong nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu lâu dài đối với dòng tiền quốc tế. Ví dụ khi nhà đầu tư tới Việt Nam, họ muốn đến bằng máy bay thì trước hết họ phải tìm sân bay tốt nhất, tiện lợi nhất, trong khi các dự án tăng tính kết nối cho sân bay Tân Sơn Nhất chưa đạt kỳ vọng", nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM nêu ví dụ.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 13

Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông cho cảng hàng không quốc tế lớn thứ 2 Việt Nam được đặt ra hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong số 7 dự án giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ 2 dự án đã bắt đầu triển khai gồm nhà ga T3 và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa rồi, các tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Cộng Hòa, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ vẫn là điểm nóng về ùn tắc giao thông trong bối cảnh lượng phương tiện tăng đột biến.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân từng đánh giá, với việc kẹt xe, ngập nước không được cải thiện, thành phố sẽ đánh mất niềm tin từ các doanh nghiệp. Để thu hút nhà đầu tư, thành phố cần có những lộ trình, chiến lược và có sự thay đổi để họ tin tưởng.

Những con số cụ thể đã chỉ rõ việc TPHCM đã sử dụng hiệu quả từng đồng vốn ra sao. Trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM có chỉ số ICOR (tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm) là 4,64, đứng đầu các tỉnh, thành cả nước trong hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Dù trên khía cạnh kinh tế, khi lựa chọn thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ lưu tâm đến TPHCM khi xem xét qua bức tranh tổng thể. Tuy nhiên, vướng mắc về nguồn vốn kéo theo ách tắc về hạ tầng đang dần khiến trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất cả nước giảm sức hấp dẫn.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 14

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng kết, đánh giá kết quả các dự án quốc gia kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đến năm 2020 trên địa bàn, TPHCM có 10/11 dự án chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế.

UBND TPHCM cũng tự nhìn nhận việc kêu gọi đầu tư chưa thành công bởi các nhà đầu tư chưa thấy rõ hiệu quả khi được mời tham gia các dự án giao thông hay đường sắt đô thị. Những dự án này chỉ phát huy hiệu quả rõ nét khi được phát triển.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 15

Năm 2020, tổng thu ngân sách địa phương của TPHCM là hơn 371.000 tỷ đồng. Nếu được Trung ương chấp thuận Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố lên 23%, trong trường hợp tổng thu ngân sách không đổi so với năm trước, TPHCM sẽ được giữ lại hơn 85.000 tỷ đồng phục vụ đầu tư, phát triển thay vì con số 67.000 tỷ đồng hiện tại.

"Nếu so sánh với một dự án cụ thể, thì với 18.000 tỷ tăng thêm, TPHCM có thể làm được nhiều hơn 1 dự án ngăn triều, chống biến đổi khí hậu (gần 10.000 tỷ) hay tuyến rạch Xuyên Tâm (tổng mức đầu tư 9.400 tỷ đồng) mỗi năm. Tuy nhiên, khi nhìn nhận tổng quan hơn về nhu cầu phát triển hạ tầng thành phố, con số trên chỉ đáp ứng một phần", ông Võ Kim Cương chia sẻ.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 17
Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 18
Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 19

Theo nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, vấn đề về vốn là cốt yếu, là tối quan trọng trong việc thực hiện các dự án trên địa bàn, tuy nhiên, thành phố cần xem xét cả những yếu tố khác liên quan. Đặc biệt, trên địa bàn còn những dự án có vốn nhưng không thể giải ngân hoặc giải ngân chậm. Các cấp chính quyền cần tìm nguyên nhân căn cơ dẫn đến tình trạng trên và khắc phục.

Khi những yếu tố chủ quan, tác động tiêu cực đến việc sử dụng vốn được tìm ra và giải quyết, tỷ lệ ngân sách để lại tăng thêm mới được phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa lớn cho đầu tư, phát triển.

Tại buổi công du đầu trên cương vị Thủ tướng tới TPHCM, ông Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ tối đa cho thành phố trong đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23%. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý đây vừa là sự khuyến khích, vừa là trách nhiệm của ban lãnh đạo thành phố.

"Với ngân sách tăng thêm, thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược. Địa bàn cần tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng, đặc biệt các dự án trọng điểm", Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 20

Dù còn nhiều bước để bản đề án có hiệu lực, tuy nhiên phát biểu của người đứng đầu Chính phủ có thể coi là thành công bước đầu trong việc tháo gỡ nút thắt về nguồn vốn phát triển hạ tầng được các cấp lãnh đạo TPHCM than thở nhiều năm qua.

Việc người đứng đầu Chính phủ bày tỏ ủng hộ đối với việc tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố mang ý nghĩa lớn khi là địa phương đầu tàu, được cả nước kỳ vọng, đặt niềm tin vào sự bứt phá mới. Đối với riêng TPHCM, đây cũng là nguồn lực để địa phương đạt mục tiêu  đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD vào năm 2025, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra.

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 21

Tuy nhiên, trước thời điểm ấy, trách nhiệm của các cấp chính quyền thành phố là phải giải quyết triệt để những vấn đề được lãnh đạo Chính phủ đã chỉ rõ là giải ngân đầu tư công chậm, cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý và đặc biệt là các chương trình đột phá chưa đạt mục tiêu, vị thế đầu tàu chưa thật sự tương xứng với vị thế, tiềm năng khác biệt.

Với nguồn lực tăng thêm khi tỷ lệ điều tiết ngân sách là 23%, bên cạnh cơ hội tháo gỡ nút thắt cho hàng loạt dự án đang đình trệ hay thi công cầm chừng, TP còn có trách nhiệm thể hiện rõ việc tận dụng từng đồng vốn Trung ương hiệu quả ra sao. Khi bản đề án được thông qua, "thiếu vốn" sẽ là nguyên nhân khó chấp nhận khi nói về các dự án treo, chậm tiến độ hay sự sụt giảm về chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh).

Đường tiến tới siêu đô thị TPHCM: Bức bách ngàn tỉ gửi đến Thủ tướng - 23

Còn đối với người dân thành phố, họ mong muốn một bức tranh hoàn mỹ từng được vẽ ra sẽ hoàn thiện, những vấn đề trong cuộc sống thường nhật như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường sẽ không còn hiện hữu tại đô thị lớn nhất cả nước, nơi họ lựa chọn để sinh sống, lập nghiệp.

Nội dung: H.N
Photo: Hải Long
Design: Đỗ Linh