Đường sắt trên cao Hà Nội bị chê “mất mỹ quan”
Theo đánh giá Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ mất mỹ quan đô thị, không an toàn nếu xảy ra sự cố trật bánh.
Ngày 10/10 vừa qua, tuyến đường sắt trên cao - đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chính thức khởi công. Nhưng chỉ ít ngày trước đó, kiểm tra hiện trường công trình đường sắt trên cao, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) đã lưu ý: Công trình có nguy cơ mất mỹ quan đô thị, không thực sự an toàn nếu xảy ra sự cố trật bánh.
Với tổng vốn đầu tư gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), khi hoàn thành vào năm 2015, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của cả nước dài hơn 13 km, được kỳ vọng sẽ là mốc khởi đầu cho 7 tuyến đường sắt đô thị khác, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề tắc nghẽn giao thông và phấn đấu đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng được 35 – 45% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.
Vừa thiết kế, vừa thi công
Toàn tuyến đường sắt này sẽ đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi, đi qua các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông. Công trình đang triển khai đồng thời các công việc khảo sát, lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây lắp.
Qua kiểm tra hiện trường, HĐNTNN nhận xét, hướng tuyến công trình phần lớn đi qua địa bàn các quận nội thành có mật độ dân cư đông. Trắc dọc của toàn bộ công trình được thiết kế theo phương án đi trên cao, chiều cao tĩnh không tính từ mặt đường hiện hữu đến đáy dầm từ 7m - 9m. Riêng tại khu vực giao cắt với đường vành đai 3 được thiết kế theo phương án đường sắt vượt cầu đường bộ, có chiều cao tĩnh không gần 14m. Trung bình, tuyến đường cao gấp khoảng 2 lần nhà dân dọc tuyến. Việc thiết kế trắc dọc tuyến này có thể sẽ gây ra bức xúc không gian đô thị trong giai đoạn khai thác, phá vỡ cảnh quan, gây ồn và không an toàn.
Phối cảnh tuyến đường sắt trên cao.
Phần lớn công trình được thiết kế dạng dầm hộp, kết cấu nhịp giản đơn. Việc sử dụng loại dầm này trong không gian đô thị có một số nhược điểm, như chiều cao kiến trúc lớn; chống ồn, chống bụi kém khi tàu chạy; mất mỹ quan đô thị. Đáng lưu ý, khả năng bảo vệ khi có sự cố tàu trật bánh sẽ không cao cho dù có thiết kế hệ thống lan can bảo vệ.
Do đó, HĐNTNN khuyến nghị cần kết hợp với việc lấy ý kiến về thiết kế của các nhà ga, nên có ý kiến đánh giá của cơ quan quản lý, Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch của thành phố về cao độ trắc dọc toàn tuyến.
Thiếu chỉ dẫn kỹ thuật
Dự án trên có nguồn vốn vay tương đương 1,2 tỷ NDT (169 triệu USD) từ tín dụng ưu đãi của Trung Quốc. Công tác khảo sát địa chất đã hoàn thành 40% khối lượng; khảo sát địa hình cơ bản đã hoàn thành trên toàn tuyến. Nhà thầu đã hoàn thành thi công 11 trên tổng số 454 trụ cầu, nhìn chung chất lượng bê tông đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, Tổng thầu EPC vẫn chưa thực hiện việc lập Chỉ dẫn kỹ thuật cho dự án. Theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc áp dụng tiêu chuẩn trong xây dựng công trình giao thông thì “Tập Quy định và Chỉ dẫn kỹ thuật của từng gói thầu hoặc của toàn dự án là một tài liệu bắt buộc, phải được Chủ đầu tư thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện thi công”. Như vậy việc tổng thầu EPC chưa lập Chỉ dẫn kỹ thuật và trình Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt là không đúng theo quy định. Do không thể lập được Chỉ dẫn kỹ thuật, HĐNTNN gợi ý, cần báo cáo và kiến nghị với Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho tổng thầu EPC biên soạn Tập hướng dẫn kiểm tra, nghiệm thu trên cơ sở các tiêu chuẩn được áp dụng đã được dịch sang tiếng Việt.
Theo Anh Phương
Đất Việt