1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chậm 1 ngày phạt 10 triệu đồng

(Dân trí) - Tổng thầu EPC Trung Quốc vừa cam kết đảm bảo tiến độ thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), khẳng định sẽ áp dụng biện pháp kinh tế để xử phạt nếu nhà thầu phụ không hoàn thành các mốc tiến độ. Theo đó, chậm 1 ngày phạt 10 triệu đồng, vượt tiến độ 1 ngày thưởng 10 triệu đồng.

Sáng nay (14/10), Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ đã ký biên bản cam kết thực hiện tiến độ Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án, đại diện Tổng thầu Trung Quốc tại Việt Nam - cho biết, Tổng thầu cam kết đẩy nhanh công tác thanh quyết toán nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho Dự án, đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đặt mốc hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đặt mốc hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016

“Tổng thầu sẽ tích cực giải quyết các vướng mắc đến công tác thi công hiện trường, đảm bảo mặt bằng thi công, đẩy nhanh việc hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công, đảm bảo hồ sơ bản vẽ phục vụ thi công. Đối với mỗi hạng mục công trình, chúng tôi đều xây dựng mốc tiến dộ giai đoạn cụ thể và mốc tiến độ cuối cùng, đồng thời xác định rõ nguyên tắc thưởng phạt rõ ràng.

Đối với nhà thầu phụ không hoàn thành mốc tiến độ, cứ chậm 1 ngày sẽ xử phạt 10 triệu đồng, vượt tiến độ 1 ngày sẽ thưởng 10 triệu đồng. Thưởng 2 triệu USD theo quy định trong bản thỏa thuận nếu hoàn thành đúng tiến độ, vượt tiến độ” - ông Đường Hồng cho hay.

Giám đốc Dự án Hồng Đường cũng khẳng định, việc ký cam kết tiến độ thực hiện Dự án không chỉ là cam kết giữa Tổng thầu và nhà thầu phụ, mà cũng chính là cam kết của Tổng thầu Trung Quốc với Chính phủ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án Đường sắt và người dân Hà Nội.

feclhd2-1476428837041

Tổng thầu Trung Quốc ký cam kết tiến độ và chất lượng với các nhà thầu phụ thi công Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sáng 14/10.

Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Lê Kim Thành đề nghị Tổng thầu Trung Quốc bố trí đủ nguồn vốn lưu động để kịp thời giải ngân, thanh toán tạm ứng cũng như thanh toán khối lượng cho các nhà thầu phụ, đảm bảo nguồn lực tài chính để nhà thầu phụ thi công đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án.

“Ban Quản lý Dự án đường sắt sẽ tạo mọi điều kiện cho các đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng cũng sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với nhà thầu phụ nếu không đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng. Yêu cầu Tổng thầu thay thế các nhà thầu phụ yếu kém. Ban sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét, đánh giá, xếp hạng năng lực thấp đối với các đơn vị này, thậm chí đề nghị không cho tham gia các Dự án do Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, do Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư” - ông Lê Kim Thành nhấn mạnh.

Về phía Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc và các nhà thầu phụ lập tiến độ thi công tổng thể và chi tiết đối với các hạng mục, nghiêm túc thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Luôn chú trọng, không lơ là công tác đảm bảo an toàn, chất lượng công trình, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phóng chống cháy nổ trong quá trình thi công.

Mô phỏng trung tâm điều hành và nhà ga đầu của dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác
Mô phỏng trung tâm điều hành và nhà ga đầu của dự án khi hoàn thành đưa vào khai thác

“Chỉ còn 2,5 tháng nữa là hết năm 2016, cũng là mốc phải hoàn thành phần xây Dự án, trong khi đó các hạng mục công việc còn rất nhiều, vì thế các đơn vị cần tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công toàn diện, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công thêm nhiều mũi, thi công liên tục 3 ca, 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công của Dự án. Tư vấn giám sát phải nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tư vấn, giám sát an toàn, đảm bảo tiến độ và chất lượng Dự án” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công vào tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư 868,04 triệu USD thực hiện bằng vốn vay ưu đãi của Trung Quốc theo hình thức EPC. Tổng chiều dài chính tuyến là 13,05km được hợp long thành công hôm 8/10 vừa qua. Dự kiến, hợp phần xây dựng hạ tầng chạy tàu sẽ hoàn thành cơ bản trước ngày 31/12/2016, hợp phần mua sắm, lắp đặt thiết bị hoàn thành trước 21/6/2017 và bắt đầu vận hành chạy thử, tháng 9/2017 sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại.

Châu Như Quỳnh