1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đường phố Hà Nội kẹt cứng: Mong dân thông cảm!

(Dân trí) - Ngày 11/9, đại diện các Sở ngành cùng lực lượng cảnh sát giao thông đã nhóm họp cùng “mổ xẻ” những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các tuyến đường Quang Trung - Nguyễn Trãi, Xuân Thủy - Cầu Giấy và nút giao Hoàng Cầu - đê La Thành thường xuyên bị kẹt cứng trong những ngày gần đây.

“Mổ xẻ” nguyên nhân đường phố kẹt cứng

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đang có 17 công trình trọng điểm lớn đang thi công, chưa kể các công trình, dự án nhỏ. Quanh các công trình này có đến 21 điểm bị rào chắn thi công dự án, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ngoài ra, còn 23 điểm thường xuyên bị úng ngập từ 30-40cm khi xuất hiện mưa to cục bộ.


Đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến thường xuyên bị kẹt cứng trong những ngày gần đây (Ảnh Quang Phong)

Đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến thường xuyên bị kẹt cứng trong những ngày gần đây (Ảnh Quang Phong)

Các lô cốt và điểm ngập úng đã cản trở dẫn đến ùn tắc giao thông vào các khung giờ cao điểm. Trong đó, phải kể đến các điểm giao cắt và lô cốt ở tuyến đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy đang thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội dự án thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện gây ra 3 nút thắt dẫn tới ùn ứ nghiêm trọng. Cụ thể, nút thắt tại nhà ga bến xe Hà Đông cũ, hiện bề rộng mặt đường lưu thông bị thu hẹp còn lại hướng đi Ngã tư Sở là 5m, hướng đi Hà Đông là 7m. Mặc dù chủ đầu tư, đơn vị thi công đã làm nhiều giải pháp nhưng vẫn không tránh khỏi ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng.

Tuyến đường sắt kể trên cũng tác động tới điểm thắt tại nhà ga La Thành (phố Hoàng Cầu), bề rộng mặt đường lưu thông bị thu hẹp còn lại hướng đi Thái Hà là 4,5m, hướng đi Hào Nam là 7,5m. Sở GTVT Hà Nội đã phân luồng bằng cách, tổ chức giao thông cho xe tải, xe khách lưu thông theo hướng khác. Ngoài ra, tuyến đường sắt này gây ra nút thắt tại vị trí ga Láng (đường Láng), bề rộng mặt đường lưu thông bị thu hẹp còn lại mỗi chiều là 5,5m, trong khi đây là tuyến đường có lưu lượng đông nên tình trạng ùn tắc cũng liên tục diễn ra.

Còn trên trục đường Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu, ông Lê Huy Hoàng - Phó Giám đốc Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, hiện đã cấp phép cho đơn vị thi công rào chắn 5,5km để thi công 8 nhà ga. Lòng đường đoạn Xuân Thủy - Cầu Giây chỉ còn mỗi bên 4m, lưu lượng phương tiện lại đông nên rất khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc.

Thượng tá Bùi Văn Tiến - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân bổ sung thêm trên trục đường Nguyễn Trãi có 2 điểm thường xuyện xảy ra ùn tắc nghiêm trọng đó là nút giao Thanh Xuân và nhà ga Đại học Quốc gia. “Chúng tôi đã họp bàn với các đơn vị phối hợp xử lý ùn tắc nhưng lực lượng mỏng dẫn đến khó khăn khi phân luồng, giữ trật tự giao thông trong giờ cao điểm”, Thượng tá Bùi Văn Tiến nói.

Đường sắt làm khổ đường bộ

Ông Lê Huy Hoàng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đã lường trước được tình trạng ùn tắc vì phải nhường một phần lòng đường để thi công dự án. “Tất cả các đoạn rào chắn đều được tổ chức thi công, không có tình trạng rào chắn rồi bỏ không. Chúng tôi cam kết, khi thời tiết có mưa hoặc vào giờ cao điểm sẽ yêu cầu đơn vị thi công bố trí thêm nhân lực phân luồng, cảnh báo giao thông”, ông Lê Huy Hoàng nói.

Ùn tắc kéo dài trên đường Nguyễn Trãi (Ảnh Nguyễn Dương)
Ùn tắc kéo dài trên đường Nguyễn Trãi (Ảnh Nguyễn Dương)

Thượng tá Bùi Văn Tiến - Phó trưởng Công an quận Thanh Xuân kiến nghị, đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện đến đâu phải dỡ rào, hoàn trả mặt đường êm thuận đến đây để tận dụng diện tích cho người dân tham gia lưu thông. Đặc biệt, tại nhiều điểm đang thi công, mặt đường vẫn còn tình trạng lồi lõm, không ít phương tiện đã gặp tai nạn, thậm chí dẫn đến chết người vì mặt đường gồ ghề, đền ghị các đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục.

Đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ông Lê Văn Dương, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đã chỉ đạo đơn vị thi công đưa ra nhiều giải pháp hạn chế ùn tắc. “Đây là dự án trọng điểm và sẽ được triển khải trong thời gian dài. Do vậy rất mong sự thông cảm, chia sẻ của người dân Thủ đô với chủ đầu tư và đơn vị thi công với tình huống bất khả kháng này. Chúng tôi  sẽ tiếp tục với các lực lượng chức năng để tìm ra phương án tổ chức giao thông tối ưu, linh động nhất”, ông Lê Văn Dương cam kết.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, việc tuân thủ chấp hành các biện pháp thi công của một số đơn vị thi công còn lỏng lẻo, chưa tận dụng triệt để thời gian để đẩy nhanh tiến độ thi công. Lực lượng Thanh tra GTVT đã nhắc nhở một số đơn vị thi công nhưng chưa có cải thiện. Nhiều điểm thi công dù đã nhắc nhở chủ đầu tư phải đảm bảo mặt đường êm thuận, nhưng không thực hiện.

Từ những lý do trên ông Trần Đăng Hải - Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiến nghị, nếu đơn vị nào đã rào chắn mà không tổ chức thi công bên trong thì rút giấy phép, hoàn trả lại mặt đường cho người dân lưu thông.

Quang Phong

 

Đường phố Hà Nội kẹt cứng: Mong dân thông cảm! - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm