Đường Hà Nội mù mịt khói vì người dân đốt rơm rạ
(Dân trí) - Những ngày gần đây, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội như Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ và nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm TP đều chìm trong khói mù mịt, ảnh hưởng giao thông do người dân đốt rơm, rạ.
"Ngày trước, khi đồng ruộng còn mênh mông, mỗi gia đình có từ một đến hai con trâu, bò hay chí ít rơm còn được dùng để đun nấu. Bây giờ đất cấy ít đi, trâu bò không chăn, rơm thành thừa thãi, nếu không đốt đi thì cũng chẳng biết để làm gì", một người dân lý giải cho việc đốt rơm ngay tại cánh đồng.
Việc đốt rơm cũng là cách nhanh nhất làm cho rơm tiêu hủy để tiếp tục cho vụ mới. Rơm đốt thành tro, người dân dùng để bón rau cỏ hay để ngay tại ruộng.
Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở...
Nhiều khu vực tại ngoại thành Hà Nội những ngày này luôn âm u như bị bao phủ bởi lớp sương mù.
Khoảng 16-18 giờ, khi trời bớt nắng là thời gian người dân đốt nhiều nhất.
Mỗi năm cứ đến dịp này, người tham gia giao thông qua địa bàn huyện Thanh Oai lại phải đối mặt với nguy hiểm do những đám khói mịt mù che lấp tầm nhìn.
Khu vực rộng lớn bị bủa vây bởi khói trắng.
Đến khoảng 19h khói rơm rạ mù mịt, gây ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường và sức khỏe người dân.
Khói rơm mù mịt làm giảm tầm nhìn, là tác nhân gây ra không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông.
Không những vậy, theo các nhà khoa học, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao, đặc biệt là ở Hà Nội.
Toàn Vũ