“Đường đi của bão số 1 không khó dự báo”
Tiến sĩ Phạm Vũ Anh, nguyên trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Cục dự báo, Tổng cục Khí tượng thủy văn, một chuyên gia có trên 30 năm trong nghề dự báo khí tượng thủy văn, cho rằng đường đi của cơn bão số 1 không khó dự báo. Ông đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông nhận định thế nào về khả năng dự báo đường đi của bão số 1?
Bão số 1 là cơn bão mạnh. Kinh nghiệm của tôi cho thấy những cơn bão đi ầm ầm rất sợ, cứ tưởng rằng chúng ta không nhanh phòng chống thì chỉ ngày mai nó sẽ vào bờ, nhưng như thế thì thường nó đều chững lại. Một khi chững lại thì bao giờ nó cũng đổi hướng. Một người dày dạn kinh nghiệm mà thấy bão xông vào như thế thì đừng sợ.
Thường bão lao vào từ Philippines rất nhanh, nhưng đến quần đảo Hoàng Sa sẽ chững lại. Lúc đó mình phải xác định xem nó sẽ chuyển hướng thế nào, đi lên phía bắc, tây tây bắc hay tây tây nam. Lúc này phải phân tích hoàn lưu cho kỹ.
Ở cơn bão số 1, hoàn lưu có sự thay đổi, tức là có sự bộc phát của gió mùa tây nam. Đấy là sự thay đổi lớn đẩy cơn bão lên phía bắc. Vấn đề là có biết điều đó hay không. Nhưng lưu ý rằng hằng năm gió mùa tây nam thường lên vào khoảng giữa tháng năm. Nếu có đủ thông tin, có thể khẳng định bão sẽ chuyển hướng lên phía bắc rất nhiều.
Nếu nhìn vào bản đồ dự báo đường đi của bão trong 48 giờ (dự báo thử nghiệm) được đưa trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, có thể thấy dự báo lúc 3h30 cho biết đến ngày 17/5 bão vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Nhưng đến 9h30 có sự đổi hướng đột ngột. Liệu đây có phải là một dự báo sai không?
Dự báo lúc 3h30 là sai. Khi làm dự báo lúc 9h30, họ đã khẳng định dự báo lúc 3h30 không đúng nên đã cho bão đổi hướng. Sự đột ngột chuyển hướng của cơn bão trong bản đồ dự báo lúc 9h30 chứng tỏ trước đó người ta đã lưỡng lự. Đây là bản đồ có sự can thiệp của con người chứ nếu là mô hình hoàn toàn kỹ thuật thì đường đi của bão không thể chuyển hướng đột ngột như vậy được.
Như vậy, có sai lầm ở người quyết định ra bản tin?
Cũng có thể họ biết bão đi lên phía bắc, nhưng họ lại không muốn phát tin đó vì đề phòng khả năng bão ảnh hưởng đến đất liền. Và quyết định đó rõ ràng đã gây ra thiệt hại.
Phải chăng vì cứ tin rằng bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc nên chúng ta không kịp thời đưa ra bản tin bão đổi hướng lên phía bắc?
Trong dự báo bão có nhiều yếu tố đưa vào tính toán, trong đó có đường đi của bão trong 12 giờ, 36 giờ, 48 giờ đã qua. Có thể vì đường đi thực của bão về phía tây tây bắc quá lớn nên yếu tố bão đi về phía tây tây bắc có trọng lượng lớn hơn hướng khác nên họ đã dự báo như vậy!
Mặt khác, việc bão di chuyển về hướng tây sẽ nguy hiểm đối với bờ biển VN nên về mặt tư tưởng chỉ đạo họ phải đề phòng phía đất liền. Trong khi đó, rõ ràng đường đi thực tế của bão vẫn về phía tây, nhưng đài Hong Kong vẫn dự báo là bão sẽ đi lên phía bắc. Phải nói rằng trong trường hợp này mô hình dự báo của Hong Kong rất tốt.
Có ý kiến cho rằng ở thời điểm ngày 14/5, nếu chúng ta dự báo xa hơn thì ngư dân sẽ có những quyết định khác đi?
Nếu mình nói mạnh về hướng bắc mà thực tế bão lại không đi về hướng bắc thì ngư dân vùng ven biển VN sẽ rất nguy hiểm. Nếu biết chắc có ngư dân ở phía đông bắc cơn bão thì phải cân nhắc khi phát tin. Nhưng thông thường nhiều năm qua, chúng ta chỉ nghĩ ngư dân đánh bắt ven bờ nên không chú ý đề phòng cho ngư dân ngoài xa.
Đó là vấn đề chúng ta phải rút kinh nghiệm. Người đưa ra bản tin phải biết tình hình lúc đó là thế nào. Tâm lý thông thường là nếu bão đi hướng bắc thì trong lòng rất mừng. Nếu dự báo sớm bão đi lên phía bắc mà cơn bão chậm chuyển hướng, đi thêm 60 km về hướng tây rồi mới chuyển hướng cũng sẽ gây thiệt hại nhiều cho vùng ven bờ. Vì thế cần nhìn nhận một cách đầy đủ.
Theo ông, bài học nào được rút ra từ thảm họa vừa qua?
Sau thảm họa này, ngành dự báo khí tượng thủy văn phải rút kinh nghiệm xem quy chế có gì bất cập không, phải nâng cao chất lượng dự báo, đầu tư kỹ thuật, cải tiến công nghệ dự báo. Phải thay đổi quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế, không chỉ là quy chế dự báo bão mà phải quan tâm đến việc phòng chống bão.
Để làm được điều đó phải tổ chức cung cấp thông tin cho người dân, nắm bắt cụ thể những người bị ảnh hưởng của bão để biết mức độ nguy hiểm đối với từng nhóm người mới có thể hướng dẫn họ di chuyển tránh bão thích hợp. Không thể nói chung chung như hiện nay khi có bão là “các tàu thuyền không được ra khơi”.
Nên chăng cũng cần đặt ra nhiệm vụ cho ngành dự báo khí tượng thủy văn là phải kéo dài thời hạn dự báo bão, xây dựng các mô hình dự báo 48 giờ. Nếu không đặt ra nhiệm vụ đó, dù thay đổi quy chế cũng không giải quyết được vấn đề.
Theo Khiết Hưng
Tuổi Trẻ