1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đường dây giả dạng cái bang ở Long An

Để tạo cảnh bệnh tật lâm ly bi đát nhằm dễ xin tiền, nhóm của Liêm, Hòa lấy dây thun cột chặt một cánh tay qua đêm để máu không lưu thông được, sưng tấy, tím tái lại. Đây là chiêu khổ nhục kế, người làm phải chịu sự đau đớn, không đơn thuần như giả câm, điếc...

Xóm nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp nằm ngay ngã ba Long Cang, trên quốc lộ 1A, thị trấn Bến Lức (Long An) hiện có bốn nhóm khoảng 40 người đang hành nghề ăn xin bằng chiêu giả bệnh, tự tạo ra các vết thương. Họ tập trung ở bốn điểm là nhà trọ Minh, nhà trọ Tám Tồn, nhà trọ Tuyết và nhà trọ Hoàng Long. Tất cả đều rất chật hẹp, dơ bẩn, tanh tưởi.

Xóm cái bang... “đểu”

Tại nhà trọ Minh số 285 nằm ngay ngã ba Long Cang có hơn 10 người (phân nửa trong số đó là phụ nữ và trẻ em) ở trong sáu phòng trọ được hơn một năm. Dãy nhà trọ này có 12 phòng thì nhóm này ở trong các phòng số 1, 5, 6, 7, 8, các phòng còn lại là công nhân và sinh viên. Theo phản ánh của chủ nhà, khi đến thuê phòng họ đều có chứng minh nhân dân (có người còn có cả giấy tạm vắng) và nói là làm nghề bán rau dạo. Tuy nhiên, không một ai trong số đó bán rau hoặc làm những nghề đại loại như thế, chỉ là câu kết giả dạng ăn xin.

Tổ chức kế hoạch cho nhóm này là một người đàn ông tên Tèo, sống tại TPHCM, thỉnh thoảng mới ghé lại khu nhà trọ. Theo đăng ký tạm trú, số còn lại hầu hết là người An Giang gồm Nguyễn Văn Cu, Huỳnh Văn Dũng, Võ Thị Thương, Trần Văn Son, Nguyễn Duy Hòa, Nguyễn Thị Kim Hai, Nguyễn Văn Liêm. Còn lại có Võ Thị Bé ở Kiên Giang, Trần Thị Ánh ở Đồng Tháp, Nguyễn Thành Thủ ở Hậu Giang... kèm theo đó là bốn cháu nhỏ.

Nhà trọ Tám Tồn cách đó mấy căn thì “bất ổn” hơn vì nhóm này ít ổn định về nhân sự, thường xuyên có người mới đến nhập hội. Hiện nhóm có khoảng 10 người. Buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu, họ lên xe buýt tỏa lên TPHCM hành nghề, trưa lại kéo nhau về. Buổi chiều nghỉ ngơi lấy sức, buổi tối và hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật thì dùng tiền kiếm được ra ngoài thị trấn uống cà phê, nhậu nhẹt, đánh bài... Hai khu nhà trọ còn lại là nơi trú ngụ của khoảng 20 người khác.

Bốn khu trọ này ở khá gần nhau nên hàng ngày các nhóm thường qua lại bàn luận cách thức hành nghề. Những cháu nhỏ gầy đét, yếu ớt những nhóm này sử dụng bồng theo làm “công cụ ăn xin”. Theo tìm hiểu của PV, chỉ một vài cháu là con của người bế, còn lại không rõ nguồn gốc.

Đường dây giả dạng cái bang ở Long An - 1

Nguyễn Duy Hòa và Nguyễn Thị Kim Hai cùng một đứa trẻ “bắt cặp” trên đường di chuyển trên đường Hùng Vương (TPHCM) đến chỗ hành nghề.

 

“Công nghệ” tạo thương tích

Để tạo ra cảnh bệnh tật lâm ly bi đát nhằm dễ xin tiền, nhóm của Liêm, Hòa trong nhà trọ Minh dùng chiêu lấy dây thun cột chặt một cánh tay qua đêm để máu không lưu thông được, sưng tấy, tím tái lại. Đây là chiêu khổ nhục kế, người làm phải chịu sự đau đớn chứ không đơn thuần như kiểu giả mù, giả điếc... Mỗi đợt cột tay họ sử dụng cho khoảng hai ngày, sau đó lại tháo thun ra đề phòng cánh tay bị hoại tử. Cột tay trái một lượt, lượt sau chuyển sang tay phải. Sau đó, mặc chiếc áo một tay rách rưới để người khác dắt đi xin ăn ở các chợ và cổng bệnh viện ở TPHCM.

Cả bốn nhóm đều sử dụng chiêu thức này để hành nghề. Lúc rời khỏi nhà ai cũng rách rưới khổ sở, đầu tóc rũ rượi nhưng chiều về từ xe buýt bước xuống ai nấy đều khỏe khoắn.

Những người phụ nữ thì việc cải trang nhẹ nhàng hơn. Chỉ cần làm một bộ hồ sơ giả người bị mắc bệnh nan y, thất thểu bồng con nhỏ lang thang để tranh thủ lòng tốt của người đi đường. Người khác thì cầm hồ sơ bệnh án nằm ở lề đường thường hay ùn tắc xe để “mời gọi” lòng hảo tâm. Nếu đóng trụ tại các cổng bệnh viện thì họ lấy khăn trùm đầu và khẩu trang bịt kín mặt và luôn than thở là bệnh nhân hoặc con bị bệnh nhưng không có tiền nên phải bế con đi xin.

Họ rất hiếm khi đi lẻ. Nhóm của Hòa thường thay nhau lắp đôi ghép cặp. Những đứa nhỏ queo quắt khổ sở cũng được chuyền tay những người phụ nữ chuyển nhóm. Thường một nhóm gồm một đàn ông cột cánh tay, chân thấp thểnh và một người phụ nữ bồng con nhỏ dắt nhau đi.  

Làm lạc hướng chú ý

Ở Long An nhưng tất cả người trong bốn nhóm cái bang “đểu” này đều hành nghề ở khắp các khu vực trong TPHCM. Đây là một hình thức đánh lạc hướng vì nếu ở các khu nhà trọ trong thành phố thì sẽ dễ bị lộ, nhất là trong thời điểm này, công an phanh phui nhiều đường dây chăn dắt giả dạng ăn xin.

Phương tiện di chuyển của những nhóm này chủ yếu là bằng xe buýt vì từ thị trấn Bến Lức lên TP khá xa. Các khu vực nhóm cái bang thường đến là Bến xe Chợ Lớn, các chợ và các bệnh viện thuộc các quận 3, 5, 10.

Theo phản ánh của các chủ nhà trọ, sau khi họ phát giác những người thuê phòng nhà mình để hành nghề giả dạng ăn xin, móc túi, nhiều lần họ đã làm đơn tố giác. Tuy nhiên, các cấp chính chính quyền thị trấn Bến Lức chưa có động thái gì tích cực dù có mời đến để hỏi thăm tình hình. Còn công an huyện thì trả lời không thể làm gì được vì những người này không “quậy” tại địa bàn. Theo công an huyện, nếu các đối tượng này có những hành vi móc túi ở TP.HCM thì công an các quận, huyện của TP theo dõi chứ huyện không thể theo lên thành phố chứng kiến họ phạm pháp được.

Theo Thanh Tùng - Thái Hiếu
 Pháp luật TPHCM