1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Dưới gánh hoa Xuân

(Dân trí) - Mỗi độ Tết cổ truyền, bắt gặp nụ cười tươi tắn, bờ vai thon lẳn, nhún nhảy theo gánh hoa từ ngoại thành về chợ Vinh, tôi lại nhớ chị Nhuận và câu chuyện chị kể về gánh hoa xuân mang theo truyền đơn, tài liệu, báo chí của Đảng những năm đầu cách mạng...

Quê chị ở Tổng Phù Long, Phủ Hưng Nguyên, Nghệ An - nay là huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha chị, ông Nguyễn Đình Lộc dẫn đường, đưa đón thanh niên yêu nước sang Thái Lan, tới trại cày của cụ Đặng Thúc Hứa dự các lớp huấn luyện đường hướng cách mạng.

Ông Nguyễn Đình Lộc hy sinh trên đường sang Thái Lan năm 1929. Mẹ chị, bà Vương Thị Loan tá túc tại bến Đền, cạnh sông Cửa Tiền buôn bán nhỏ nuôi các con Nguyễn Đình Liên, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Đình Hoành (tức Nhật Tân, Siêu Hải) ăn học và hoạt động trong các tổ chức Hội Phục Việt, Hội Hưng Nam, Tân Việt, Thanh niên cách mạng đồng Chí Hội. Khi Đảng đại hội hợp nhất tại Ma Cao, Hương Cảng ngày 3/2/1930, ba người con của bà Loan đều trở thành đảng viên cộng sản Đông Dương.

Gia đình chuyển về phố đệ nhất, Cổng Chốt sinh sống, đang học năm thứ ba hệ tiểu học tại trường tư thục Nguyễn Trường Tộ, chị Nhuận vừa giúp mẹ buôn bán vừa tham gia công tác vận động phụ nữ giúp đỡ cách mạng đang thời trứng nước. Một lứa hoạt động cách mạng với chị có hai chị em ruột Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Quang Thái và các chị Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Phia.
Dưới gánh hoa Xuân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà, con gái Võ Hồng Anh thăm bà Nguyễn Thị Nhuận(người ngồi xe đẩy) tại khu điều dưỡng cán bộ lão thành cách mạng Nghệ Tĩnh tháng 9 năm 1997 (Ảnh: Văn Hiền)

Ra đời cùng năm 1910, nhưng chị Nhuận xem Minh Khai như chị cả về phương diện trí thức và nhiệt huyết cách mạng. Chị Nhuận bộc bạch tâm thức của mình với Minh Khai bằng lời thơ: “Thân gái xông pha chốn dặm trường/Nào khi đạp tuyết với dày sương/ Một bầu nhiệt huyết hai vai nặng/Treo tấm anh thư dễ mấy phường”.

Cửa hàng buôn vải số 132 phố Marêsanphốc (nay là đường Quang Trung, TP Vinh) của ông bà Hàn Bình, thân sinh chị em Nguyễn Thị Minh khai, Nguyễn Thị Quang Thái là tổ ấm của chị Nhuận. Và cũng từ căn nhà này, biết bao lần chị Nhuận được truyền lửa tranh đấu, ý chí kiên định con đường cách mạng lắm gian nan nhưng chứa chan niềm tin giành Độc lập. Cũng từ ngôi nhà này, biết bao lần chị Nhuận tiếp nhận tài liệu của Tỉnh ủy, Xứ ủy, Thành ủy, dấu khéo léo dưới những bó hoa, dàn hoa chuyển tới các tổ chức công hội, nông hội ở khu công nghiệp Bến Thủy, Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Can Lộc và đồn điền cà phê, cao su Tân Kỳ, Phủ Quỳ.

Đầu năm 1930, cả Nghệ An đã có 9 huyện bộ, 20 liên chi bộ, 311 tổ chức công hội, thu hút hàng nghìn hội viên mà trung tâm là nhà máy xe lửa Trường Thi, Cảng Bén Thủy, nhà máy Diêm, nhà máy Điện.

Chị Nhuận kể: Thời kỳ gây dựng tổ chức đoàn thể, nhen nhóm phong trào công nhân, lao động, vận động trí thức, học sinh, sinh viên, binh lính, Đảng ta rất coi trọng vai trò tuyên truyền của báo chí. Ở thành phố Vinh vào cuối năm 1929, đầu năm 1930, báo chí bí mật Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy, thậm chí Thành ủy, Huyện ủy đã xuất hiện.

Báo in tiếng Pháp có các tờ Le Paria (Người cùng Khổ)”; L’ huymanites (Nhân Đạo); Le Travail (Lao Động); NoTrevoix (Tiếng nói của chúng ta). Báo in Tiếng Việt trên khuôn sáp; khuôn đá li tô có các tờ Thanh Niên; Công Nông; Búa Liềm; Đỏ; Dân Chúng; Tin Tức (của Trung ương), Bôn Sơ Vích; Nhành Lúa; Người Lao Khổ (của Xứ ủy Trung kỳ); Công - Nông - Binh, Tiến Lên, Cờ Vô sản, Tranh đấu (của Tỉnh ủy Nghệ An); Bước tới, Dân cày (của Tỉnh ủy Hà Tĩnh); Sóng Kách Mệnh, Cờ Dân đạo (của Thành ủy Vinh-Bến Thủy); Lao động, Tia Sáng (của Huyện ủy Quỳnh Lưu); Dân nghèo (của Huyện ủy Nghi Lộc); Sản nghiệp (của Huyện ủy Hưng Nguyên; Xích Sinh (của Tổng hội học sinh, sinh viên trường Quốc học Vinh).

Với vai trò giao thông liên lạc, chị Nhuận phải làm sao chuyển an toàn báo chí, tài liệu, truyền đơn của Đảng, Xứ ủy, Tỉnh ủy tới nhiều cơ sở bí mật không chỉ ở khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy, các huyện ngoại thành mà lên các đồn điền Sông Con, Phủ Quỳ.

Vào vai cô bán hoa duyên dáng, hoạt ngôn, chị Nhuận nhận bán hoa hàng tháng cho các công sở do người Pháp cai quản, có lần chị đưa hoa vào dinh Công sứ Martic, dinh Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ, Án sát Nguyễn Khắc Niên. Chị Nhuận đưa hoa hang ngày tới chùa Diệc, chùa Tầm Phúc, chùa Cần Linh, nhà thờ Cầu Rầm, đền Quán Thánh, các khách sạn người Hoa, người Ấn Độ, người Tân Tây Lan dọc theo phố Ma rê san Phốc (nay là phố Quang Trung, thành phố Vinh).
Chân dung Bà Nguyễn Thị Nhuận - người phát hành báo Đảng từ năm 1930 - 1941 (Ảnh: Văn Hiền)
Chân dung Bà Nguyễn Thị Nhuận - người phát hành báo Đảng từ năm 1930 - 1941 (Ảnh: Văn Hiền)

Cho tới khi những công sở, dinh thự, khách sạn… quen gương mặt cô bán hoa sáng sủa, phúc hậu, có giọng phát âm tiếng Pháp rất lưu loát, “cô bán hoa” ấy mới về Phù Long nhờ người thân đan cho đôi thúng có hai đáy bằng cật nứa thật xinh xắn. Rồi từ mùa xuân Đảng ra đời ấy, gánh hàng hoa của chị Nhuận mang theo những tờ báo, những luận cương, sách lược tranh đấu, những bó truyền đơn kêu gọi quần chúng “đứng lên thân cỏ, thân rơm, Búa-Liềm không sợ súng gươm bạo tàn…”.

Chị Nhuận dấu “tài liệu cấm”, “chết người” ấy dưới phần đáy thúng, phủ những bó hoa, dài hoa cúc, hoa lay ơn, hoa huệ, ngọc lan, hoa sen… và thoăn thoắt, tự tin gánh đôi quang xuyên Bến Thủy - Trường Thi, Yên Trường, Lộc Đa, Song Lộc, Chợ Thượng, trường Pháp - Việt Thanh Chương, Can Lộc. Nhiều lúc gặp tuần đinh, lính khố xanh khám xét, chúng cũng chỉ thấy những bó hoa khoe sắc, làm dịu cả ánh nhìn đểu cáng của lũ “chim mồi, cá nhử”.

Từ sau ngày 10/10/1929, thực dân Pháp chỉ đạo Tòa án Nam triều tại Vinh xử chém anh Phan Văn Thân, Nguyễn Văn Đừu, cán bộ Tổng Công hội Nghệ An, không khí uất hận bao trùm các nhà máy khu Trường Thi - Bến Thủy. Chị Nhuận mang truyền đơn, báo “Người Lao Khổ” tố cáo tội ác Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ, mật thám Ham Bert (Om Be), phân phát cho hàng trăm cơ sở đoàn thể trong đêm 18 tháng 3 năm 1930.

Sáng ngày 23/3/1930, như tiếng trống lệnh, khởi đầu cơn bão táp Xô-Viết Nghệ Tĩnh, hơn 500 công nhân nhà máy Diêm đồng loạt đình công, đòi giảm giờ làm từ 16 giờ xuống 12 giờ mỗi ngày, đòi chính quyền Thực dân không được bỏ tù, giết hại người yêu nước. Ngày 25/4//1930, Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên - học sinh Nguyễn Tiềm, Giáo sư Trần Mộng Bạch tập hợp học sinh Quốc học Vinh bãi khóa, truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh tại chùa Diệc, bất chấp lời đe dọa của Tổng đốc là Hồ Đắc Khải, vừa từ Huế ra thay thế Nguyễn Khoa Kỳ.

Và sáng ngày 1/5/1930, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương phụ trách Trung Kỳ, các anh Lê Mao, Lê Viết Thuật, Trần Văn Cung, Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiềm, Hoàng Trọng Trì tập hợp hàng nghìn nông dân Lộc Đa, Đức Thịnh, Song Lộc, Yên Dũng biểu tình đòi dân sinh, dân chủ, ủng hộ công nhân nhà máy Trường Thi, nhà máy Diêm đình công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đàn áp.

Từ mùa Hè đỏ lửa, chỉ thị của Đảng, truyền đơn của Đảng, báo chí của Đảng chỉ đạo liên minh tranh đấu trong tỉnh, trong xứ Trung Kỳ lại theo gánh hoa của chị Nhuận bay tới các Tổng, các phủ, các nhà máy, trường học, góp gió thổi bùng cao trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 30/8/1930, nông dân Nam Đàn biểu tình chiếm huyện đường. Ngày 1/9/1930, nông dân Thanh Chương biểu tình thiêu rụi đồn điền Ký Viện và phá tan huyện đường. Quan tri huyện Phan Sỹ Bàng bỏ chạy về Vinh cầu viện. Ngày 5/9, Diễn Châu nổi dậy.

Ngày 8/9, Anh Sơn biểu tình, đánh phá đồn binh Pháp ở Kim Nhan. Ngày 12/9, hơn một vạn nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn biểu tình cướp phủ Hưng Nguyên. Cuộc biểu tình bị tàn sát dã man. Thế nhưng không run sợ, lùi bước, sang ngày 7/11/1930, nông dân Yên Thành lại biểu tình ủng hộ nông dân Hưng Nguyên.

Cả Nghệ An, Hà Tĩnh như biển lửa thiêu đốt chế độ thực dân và phong kiến Nam Triều, làm tan rã bộ máy chính quyền tay sai. Lần đầu tiên ở xứ thuộc địa Đông Dương, giai cấp công nhân liên minh với nông dân đã thiết lập chính quyền Xô Viết kiểu mới. Dù Xô Viết chỉ tồn tại trong 8 tháng nhưng nó đã như ngọn hải đăng soi sáng phong trào cách mạng Dân Tộc, Dân chủ sau này.

Phong trào bị đàn áp khốc liệt, bị dìm trong biển máu. Chị Nhuận bị bắt, bị đày ải trong nhà lao Vinh cùng với Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Văn Biên, Trần Hữu Doãn, Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc… Ra khỏi nhà tù thực dân, “cô gái bán hoa” Nguyễn Thị Nhuận lại khôn khéo vận động chị em hội viên “phụ nữ giải phóng” thành phố Vinh quyên góp thuốc men, thực phẩm, áo quần chuyển vào cho đồng chí, đồng bào còn bị giam giữ trong nhà lao Vinh.

Tháng 8/1937, chị Nhuận được bầu làm hội trưởng Hội phụ nữ Dân Chủ thành phố Vinh. Và “gánh hàng ngày xuân” được nhân rộng, thu hút các tầng lớp phụ nữ trí thức, tiểu thương, phật tử, tín đồ tham gia buôn bán, gây quỹ cho đoàn thể hoạt động từ năm 1937 tới năm 1944. Cách mạng tháng 8 thành công, trong màu cờ rực sáng tòa Công Sứ đã thành trụ sở của chính quyền dân chủ, “cô gái bán hoa” thuở nào trở thành ủy viên ủy ban Việt Minh thành phố Vinh, bên cạnh các ông Nguyễn Xuân Linh, Trần Văn Quang, Trần Văn Cung, Nguyễn Lợi, Tôn Quang Phiệt.

Theo cách mạng từ độ thanh xuân, trọn cuộc đời cống hiến cho Dân tộc, cho Đảng, lúc về thế giới Người Hiền ở tuổi 90, chị Nhuận chẳng có riêng cho mình chút tài sản gì ngoài tấm Huân chương Độc lập hạng Ba và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Chị còn để lại cho hôm nay, muôn đời sau sắc xuân khát vọng Độc lập, Tự do tỏa rạng từ gánh hoa buổi bình minh có Đảng.

Văn Hiền - Nguyễn Phê