Đất, cát trôi theo “lốc” biển
Sau hơn một năm trở lại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chúng tôi không khỏi giật mình với tốc độ biển xâm thực lấn sâu vào đất liền địa bàn thôn Hải Phong. Cả một bờ biển dài với rừng cây phi lao chắn sóng vững chắc nay đang dần biến mất. Vô số gốc cây chết khô, nằm trơ trọi trên bờ biển. Nhiều cây, biển “ăn” sâu, khoét trồi cả gốc, chỉ nay mai nữa chúng sẽ cùng chịu chung số phận chết thảm.
Một gốc phi lao trơ trọi gốc sau khi cát đất phủ quanh nó trôi xuống biển
Cách đó không xa, những ngôi nhà, vô số chuồng trại chăn nuôi của người dân vốn đang nằm trong diện buộc phải di dời sụp đổ hoặc rạn nứt khủng khiếp. Nhiều chủ quán hàng tạm bợ nằm sát mép biển đang sống trong nỗi lo, có người bảo chỉ cần một cơn bão mang theo cơn sóng dữ thì mọi thứ ở đây trở thành miếng mồi ngon của biển.
Biển xâm thực xé toạc một quán hàng của người dân
Một vài quán hàng lèo tèo trên bờ biển cũng sắp bị xóa sổ
“Mấy năm trước, rừng phi lao ở tận ngoài kia, nay nó đã bị biển cuốn phăng mất rồi. Chừ còn chút ít ni nữa, chắc ít thời gian chi nữa có cũng trôi luôn xuống biển. Tui hơn 70 tuổi sống chết chỗ ni chưa khi mô thấy biển lấn, đất lở khùng khiếp như ri”- một cụ ông ngoài 70 tuổi dừng nhặt rong biển chỉ tay về khu đất đang chuẩn bị sụp xuống bở biển sâu nói một cách đầy tiếc nuối.
Biển xâm thực với tốc độ chóng mặt khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân ở thôn Hải Phong, vốn chưa thể di dời để nhường đất phục vụ cho việc xây dựng cầu cảng, đã bị đảo lộn hoàn toàn. “Vẫn biết là thời gian tới người dân chúng tôi sẽ phải di dời lên nơi ở mới (hiện còn một số vướng mắc người dân thôn Hải Phong chưa chịu di dời-PV), nhưng chừng nào chưa chuyển đi nơi đây vẫn là quê hương của chúng tôi. Không đau sao được khi từng khối đất, khối cát của chúng tôi, của đất nước cứ trôi xuống biển. Sống làm sao được khi nhà cửa, ruộng vườn không yên” – cụ ông dẫn chúng tôi rảo bước trên khu vực cát lở bức xúc nói.
Người dân thôn Hải Phong tụ tập trên bãi rác đang từng giờ bị cuốn phăng xuống biển
Người dân thôn Hải Phong “tố”, nguyên nhân khiến đất liền nơi họ sinh sống đang bị sóng biển cuốn trôi xuất phát từ hoạt động nạo vét, tạo luồng lạch cho tàu ra vào khu vực Cảng Vũng Áng Việt Lào và cảng than phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. “Không cần chuyên gia, không cần cơ quan chức năng đánh giá, bất kỳ người dân nào ở đây cũng nhận ra, việc nạo vét, hút tạo luồng lạch ở đây là thủ phạm gây ra tình trạng sạt lở này. Họ càng hút, thì đất cát trong đất liền cứ bị sóng biển đánh sụp xuống. Cứ thế đất cứ lở, biển cứ xâm thực” – anh Tuấn, một người dân chỉ những con tàu đang hút cát trước mặt nói thêm.
Kêu mãi chỉ… mỏi miệng!
Làm việc với Dân trí, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi Lê Xuân Vượng cho biết, tình trạng biển xâm thực tại xóm Hải Phong xuất hiện từ năm 2009 - thời điểm cầu cảng số 2 của cảng Vũng Áng bắt đầu được thi công và thực trạng này càng diễn biến phức tạp hơn khi dự án nạo vét gần 40ha diện tích mặt biển phục vụ xây dựng cầu cảng phục vụ Nhá máy Nhiệt điện Vũng Áng được triển khai từ đầu năm 2013 này.
Hoạt động nạo vét tại khu vực Cảng Vũng Áng được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ biển tại Hải Phong
Theo ông Vượng, khó có thể thống kê hết có bao nhiêu mét khối đất, cát tại thôn Hải Phong bị biển cuốn trôi. Từ khi xuất hiện thực trạng nêu trên chính quyền xã Kỳ Lợi đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện, BQL khu kinh tế Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh có giải pháp để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực khoét sâu đất liền. Một trong những giải pháp được chính quyền xã này nêu ra đó là xây dựng một bờ kè vững chắc chạy dọc theo bờ biển, nối cảng Vũng Áng Việt Lào với Cảng than của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng. Thế nhưng, đến nay dự án trên vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất của chính quyền xã.
“Chúng tôi đã đề xuất giải pháp nêu trên, tuy nhiên, đề xuất đến nay vẫn không thấy tỉnh thực hiện. Họ (tỉnh- PV) nói dự án đầu tư kè ở đây ngốn hàng trăm tỷ đồng, một số tiền quá lớn so với ngân sách của địa phương. Họ nói thế thì chúng tôi đành chịu chứ biết làm sao” – ông Vượng nói.
Một cụ ông ở thông Hải Phong mỏi mòn chờ đợi kè chắn sạt lở
Người đứng đầu chính quyền xã Kỳ Lợi không giấu được vẻ bức xúc vì từng mét đất trên địa bàn đang từng ngày, từng giờ bị biển cuốn trôi. “Bà con họ kêu là có lý. Không kêu sao được khi biển ngày càng khoét sâu, cuốn luôn nhà cửa và không ít mồ mả của bà con. Trước mắt, chúng tôi đã thống kê có 17 hộ trong xóm đang sống trong tình trạng báo động, nếu bão đạt đến cấp độ số 8 đến thì rất nguy hiểm” – ông Vượng nói.
Trước mắt, theo ông Vượng, trong khi chưa có kè ngăn biển xâm thực, chờ đợi các vướng mắc được giải quyết để người dân xóm Hải Phong di dời lên chỗ ở mới, chính quyền xã Kỳ Lợi chỉ có có duy nhất phương án, nếu bão giật từ cấp 8 trở lên sẽ cho người dân ở thôn này tạm đi lánh nạn.
Văn Dũng - Minh Đức