Cần Thơ:
Đứng xem hoa mận, bị rắn lục lao vào cắn
(Dân trí) - Đang đứng rung cành mận để nước trên cành rơi xuống, bất ngờ ông Năm bị con rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay. Hiện bàn tay của ông Năm đang có nguy cơ bị hoại tử.
Ngày 11/10, ông Hồ Văn Năm (SN 1951) ở Tân Lộc - Thốt Nốt, Cần Thơ nhập viện 121 (Cần Thơ) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, tay phải sưng phù, đau nhức do rắn lục đuôi đỏ tấn công. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu thấp. Bác sĩ cho bệnh nhân truyền huyết thanh kháng nọc rắn, truyền tiểu cầu, cho dùng kháng sinh giảm đau.
Ông Năm cho biết, sáng 11/10, ông thấy cây mận trong vườn nhà đang thì trổ hoa nhưng nước đọng lại trên lá cây nhiều, sợ thối hoa sẽ không ra quả nên ông đưa tay rung nhẹ cành cây mận để nước rụng xuống. Bất ngờ một con rắn lục màu xanh đuôi đỏ lao vào cắn vào bàn tay phải của ông.
Sau khi bị rắn cắn, ông đến nhà thầy lang để điều trị. Sau khi được thầy lang “chăm sóc”, tay ông bị đau nhức nhiều hơn và sưng phù nên đến chiều 11/10 người nhà đưa ông đến bệnh viện để cấp cứu.
Sáng 14/10, tiếp xúc với PV Dân trí, bác sĩ Phan Văn Trung - khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ - xác nhận, bệnh nhân Năm đang bị nhiễm trùng, tay phải sưng nề do sau khi bị rắn cắn bệnh nhân không đến bệnh viện để điều trị mà đến thầy lang trị nọc rắn, dẫn đến bàn tay bị nhiễm trùng, biến chứng và có nguy cơ hoại tử.
Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên - quyền trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện 121 Cần Thơ - chia sẻ, trước đây, những người trong độ tuổi lao động khoảng 20 - 50 tuổi mới hay bị rắn cắn, và tỉ lệ nam giới thường chiếm nhiều hơn nữ giới. Thời gian bị rắn cắn thường vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, đó là những lúc rắn ra ngoài kiếm ăn. Nhưng thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, có thể cắn bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, diễn biến lâm sàng và những thay đổi cận lâm sàng phụ thuộc vào từng loại rắn và mức độ nhiễm độc của nọc rắn. Vì vậy sau khi bị rắn cắn, cách tốt nhất là đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời. Thời gian nhập viện và việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến cho triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng diễn biến nặng, thời gian điều trị lâu hơn.
“Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục phải được chỉ định sớm, hiệu quả nhất là trong 24 giờ đầu sau khi bị rắn cắn. Sử dụng huyết thanh sớm kịp thời sẽ làm giảm các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh sẽ ít diễn biến nặng hơn, làm giảm thời gian điều trị và chi phí nằm viện cho bệnh nhân” - Bác sĩ Kiên nói.
Phạm Tâm