1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dừng nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch và CMND 9 số

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an yêu cầu dừng tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch, Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số để chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trên cả nước.

Bộ Công an vừa có văn bản thông báo tới công an các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu dừng tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch, CMND  9 số để chuyển sang cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06- Bộ Công an), việc này bắt đầu thực hiện từ ngày 23/1 nhằm triển khai hiệu quả công tác cấp Căn cước công dân theo mẫu mới có gắn chip điện tử.

Dừng nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch và CMND 9 số - 1

Công an Hà Nội triển khai cấp Căn cước công dân gắn chíp (Ảnh: Quang Phong).

Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương khẩn trương tiến hành xử lý, hoàn thiện, giải quyết hết số lượng hồ sơ cấp CMND 9 số và thực hiện hoàn thiện hồ sơ, chuyển dữ liệu điện tử về C06 đối với những hồ sơ đề nghị cấp Căn cước công dân mã vạch đã thu nhận để thực hiện phê duyệt, in thẻ Căn cước công dân trả cho công dân.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân sẽ triển khai từ năm 2020 - 2022 tại Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố và các quận, huyện, thị xã với tổng mức đầu tư là 2.696 tỷ đồng.

Bộ Công an cho biết, Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, Căn cước công dân mẫu mới là loại có gắn chíp điện tử, khác với các loại thẻ Căn cước công dân hay Chứng minh nhân dân có 12 số hiện hành.

Căn cước công dân mẫu mới có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng... nhằm bảo đảm cho việc quản lý xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện cải cách hành chính.

Dừng nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân mã vạch và CMND 9 số - 2
Mẫu thẻ Căn cước công dân (Ảnh: Bộ Công an)

Chíp gắn trên Căn cước công dân nhằm lưu trữ các thông tin của công dân với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Đặc biệt, chíp này không có chức năng định vị, theo dõi công dân.

"Căn cước công dân gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm và bổ sung hoặc sửa đổi thông tin... Khi chíp điện tử được tích hợp đầy đủ thông tin, người dân khi thực hiện các giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng Căn cước công dân này"- Bộ Công an cho hay.