1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dừng ngay việc lãng phí hàng chục tỉ đồng!

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 398/QĐ-TTg về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Nếu chỉ tính riêng trong việc tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, lễ hội... tại các ngành và địa phương, chương trình thực sự là một “liều thuốc” tiết giảm sự hoang phí. Bởi đang có “làn sóng” tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm rất hoành tráng, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng với những món đồ tặng không thực sự cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn…

Nợ trăm ngàn tỉ đồng vẫn… thích hoành tráng

Những ngày cuối tháng 3.2017, báo cáo kết quả thanh tra Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2015 đã được tiết lộ. Theo đó, đoàn thanh tra đã kiểm tra tình hình kinh doanh của công ty mẹ tập đoàn và 5 công ty thành viên cho kết quả tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỉ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỉ đồng, nợ dài hạn 62.734 tỉ đồng.

Dư luận đặt câu hỏi là không hiểu tại sao, một tập đoàn hùng mạnh mà giờ lại có thể nợ nần lên đến cả trăm ngàn tỉ đồng (?!). Lập tức dư luận nhắc nhớ lại bê bối về những tấm kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm thành lập tập đoàn hồi cuối năm 2016. Theo đó, tại văn bản số 4850 ngày 13.10.2016 của TKV nêu: Để ghi dấu ấn chặng đường 80 năm truyền thống ngành, lãnh đạo tập đoàn chủ trương tặng mỗi cán bộ, công nhân viên lao động một sản phẩm bằng bạc do một đơn vị trong tập đoàn chế tác làm quà tặng..., với đơn giá là 640.000 đồng/sản phẩm. Như vậy với khoảng 120.000 lao động hiện nay của tập đoàn, số lượng kỷ niệm chương tương ứng với số tiền khoảng trên 70 tỉ đồng. Các đơn vị của TKV đã chi tiền mua quà tặng từ quỹ phúc lợi và các nguồn quỹ khác.


Kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 80 năm thành lập ngành của TKV

Kỷ niệm chương nhân kỷ niệm 80 năm thành lập ngành của TKV

Vấn đề ở chỗ, phần lớn người lao động thuộc TKV đều không ai mặn mà với sản phẩm quà tặng đắt đỏ. Trong khi đó, nhiều người còn khẳng định sản phẩm bị đội giá. Nhiều lao động phản ánh, họ cần tiền thưởng đầy đủ chứ không cần cái quà tặng đắt tiền. Không thể đem mức tiền thưởng trong quy định của tập đoàn chi trả cho chiếc logo trị giá tới 640.000 đồng mà về cũng không biết để làm gì.

Chi 65 tỉ đồng quà tặng nhân 20 năm tái lập tỉnh

Không biết có phải học theo “ý tưởng tiền tỉ” của TKV hay không mà mới đây, nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh (sau khi chia tách từ tỉnh Vĩnh Phú cũ), Vĩnh Phúc cũng hào phóng duyệt chi khoản kinh phí khổng lồ để mua quà tặng. Theo kế hoạch số 5899/KH-BTC do ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND, Trưởng ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc ký thì dành ngân sách và nguồn xã hội hóa (nếu có) mua ấm chén làm quà tặng. Đối tượng được tặng là mỗi hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc đến thời điểm ngày 31.12.2016, mỗi đại biểu một bộ ấm chén men màu trắng, sản xuất trong nước, in chữ đỏ “Kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc”.

Bộ ấm chén nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh của Vĩnh Phúc.
Bộ ấm chén nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh của Vĩnh Phúc.

Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị các gói thầu mua sắm quà tặng tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc lên đến gần 65 tỉ đồng. Trao đổi với PV Báo Lao Động về việc này, ông Bùi Minh Hồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận việc mua ấm chén làm quà tặng kỷ niệm nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh đến từng gia đình tại Vĩnh Phúc là một phần trong dịp kỷ niệm. Ông Hồng cho biết, tiền để mua quà tặng là tiền ngân sách và nguồn xã hội hóa. Hiện tại ngân sách tạm ứng để các huyện thị xã, thành phố thực hiện.

Mặc dù là một trong những tỉnh có tốc độ chuyển mình nhanh và ngoạn mục trong những năm qua, nhưng rõ ràng không thể tự hào nói rằng cuộc sống của người dân tỉnh này đã hết khó khăn, vất vả. Rưng rưng nhìn đại công trình ngàn tỉ vắt qua gần nhà cứ trơ gan cùng tuế nguyệt suốt mấy năm qua, bà Nguyễn Thị Thảo (60 tuổi), trú tại thôn Đại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường bức xúc: “Nắng thì bụi phủ cả lớp dày, mưa thì nước kéo theo đất cát tràn vào nhà. Còn công trình mãi không xong, người dân chúng tôi khổ quá mà không biết kêu ai”.

Không chỉ bà Thảo, tất thảy người dân sống dọc đại dự án cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp đường giao thông thuộc hai huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc đều lâm cảnh khốn cùng vì kiểu thi công theo kiểu “rùa bò” tại đây. Theo tìm hiểu của PV, dự án được đánh giá là trọng điểm và cấp bách này được khởi công từ cuối năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao vào giữa năm 2013, trước mùa mưa bão. Vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỉ đồng. Cũng vì tính cấp bách mà năm 2010, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị về việc chỉ định thầu dự án này đoạn qua địa phận tỉnh. Thế nhưng dự án đã “vỡ” kế hoạch tới 4 năm, vì trăm ngàn lý do, trong đó có lý do thiếu vốn...

Phải bắt được “bệnh”

Theo Quyết định 398/QĐ-TTg vừa được ban hành về chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017, Chính phủ sẽ thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách năm 2017 cho các bộ, cơ quan, đơn vị. Chính phủ phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp… Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; Tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia. Cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A… Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu hạn chế mua sắm xe ôtô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền…

Chiều 6.4, chia sẻ với PV Báo Lao Động về quan điểm cá nhân, ông Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên cao cấp Uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương cho biết, ông rất ủng hộ chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, chỉ một quyết định này sẽ chưa giải quyết hết được các vấn đề đang tồn tại.

“Giống như truyền thống y học của dân tộc Việt Nam là: Bắt mạch, kê đơn, rồi bốc thuốc, chữa bệnh. Tức là phải tìm ra được nguyên nhân sau đó mới kê đơn thuốc phù hợp để chữa bệnh thì mới khỏi được. Quay lại đến tình hình phát triển đất nước, nếu chưa rõ nguyên nhân lãng phí ở đâu thì chưa thể trị bệnh dứt điểm được. Do đó, theo tôi, quyết định vừa ban hành của Chính phủ là cần thiết, về cơ bản sẽ làm giảm được bức xúc của người dân chứ chưa thể giải quyết được bản chất của vấn đề…” - ông Hồng thẳng thắn nói.

Liên quan đến các vụ việc tại TKV và tỉnh Vĩnh Phúc chi hàng chục tỉ đồng cho những quà tặng thiếu thiết thực nhân lễ kỷ niệm, vị chuyên gia cho biết: “Hiện nay quản trị đất nước đang theo cách quản trị phong trào theo số đông, quản trị cho ghế ngồi của mình. Như trường hợp trên, câu hỏi là người lao động được gì, người dân được gì? Kỷ niệm chương hay ấm chén, nghe thì tưởng là quà tặng nhưng cũng là mồ hôi công sức của người lao động, của người dân họ cống hiến sức lao động hay nộp thuế mà thành. Cái người dân cần là điện, đường, là an ninh trật tự… nó thiết thực hơn”.

Theo Nhóm PV Ban Thời sự
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm