1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất:

Đừng để doanh nghiệp chỉ được... nhìn!

(Dân trí) - “Giảm lãi suất rồi phải cải tiến nữa, bởi nếu giảm nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn do nhiều yếu tố thì cái giảm xuống cũng chỉ để nhìn thôi”, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Thưa ông, tháng trước chỉ số CPI chỉ tăng 0,18%, vậy với tháng 10 này, ông có dự báo gì?

Giá đang xuống nên chỉ số CPI sẽ xuống. Theo tôi dự đoán có thể CPI tháng này sẽ âm, khoảng không phẩy mười mấy phần trăm.

Sở dĩ có điều này là do hai mặt hàng xăng dầu, lương thực đều giảm và hai mặt hàng này đều chiếm tỉ lệ lớn trong rổ hàng hoá, riêng lương thực đã hơn 42%. Với xăng dầu giảm sẽ kéo theo giá nhiều mặt hàng khác giảm.

Thông thường CPI tháng 11, 12 đến tết âm lịch hay tăng cao, nay Ngân hàng nhà nước lại nới lỏng chính sách tiền tệ vào đúng tháng 10, liệu lạm phát có tăng không?

Cứ đà hiện tại thì lạm phát vẫn giữ ở mức này, nếu không thì cuối năm nhỉnh lên một chút, không tăng nhanh được. Nhưng tính cả năm lạm phát cũng phải ở mức 24 - 25 %.

Chính phủ vẫn đang ưu tiên chống lạm phát, liệu việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm này có sớm không?

Đây là điều hành đúng của mình, bởi khi chỉ số lạm phát giảm, giá giảm thì phải điều hành các chính sách đi theo, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Chính sách này liên quan đến lãi suất, dự trữ bắt buộc, thanh khoản và điều chỉnh 3 yếu tố này đi theo đúng hướng chỉ đạo, tức là linh hoạt hơn, khi tình hình có thay đổi, tạo điều kiện thanh khoản cho các ngân hàng.

Đây là cách giải quyết đúng vì nếu anh cứ bơm thẳng tiền ra lưu thông sẽ tác động tới lạm phát ngay, nhưng nếu qua công cụ ngân hàng, kể cả dự trữ, tạo thanh toán trái phiếu sẽ giúp ngân hàng có điều kiện giảm chi phí, giảm đầu ra. Trên cơ sở lãi suất giảm xuống, doanh nghiệp (DN) mới được cải thiện.

Cùng với việc hạ lãi suất, những vấn đề gì phải chú ý lúc này, thưa ông?

Cần chú ý, lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao, cho nên đề phòng nó có thể quay trở lại. Thứ hai, giảm lãi suất xuống nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Trong điều kiện hiện nay lạm phát của ta và cả thế giới vẫn có yếu tố để tăng, cho nên phải rất chú ý theo dõi. Nếu không cẩn thận, ép lãi suất tiền gửi xuống nhanh thì người dân không gửi nữa, từ đó ngân hàng không có khả năng thu hút tiền và chống lạm phát sẽ bị ảnh hưởng

Sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản, các ngân hàng lập tức điều chỉnh lãi suất cho vay. Những điều chỉnh này liệu có giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Việc giảm lãi suất giúp DN bớt chi phí hơn, nhưng lãi suất cho vay bình quân hiện nay vẫn là 17 - 18%, tiền gửi là 15 - 16%, vẫn cao so với khả năng sản xuất kinh doanh.

Hiện có những số liệu khác nhau về những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản. Là Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông có thể nói rõ hơn?

Theo số liệu của chúng tôi, 60% có khó khăn do tác động từ việc lãi suất tăng, vốn ít rồi chi phí tăng. Trong đó, 20% cực khó khăn, rơi vào những anh vay ngân hàng nhiều, vay gần như tuyệt đối ngân hàng và những anh khả năng, trình độ quản lí yếu kém.

Trong 20% này có 10% do anh yếu kém từ trước, khắc phục được cũng không đơn giản. Nếu theo kinh tế thị trường có thể có những anh chết mà chết này cũng phải chấp nhận.

10% còn lại của 20% ấy do tác động của lạm phát mang đến cho họ, vốn họ ít được vay, lãi suất quá cao khiến họ không sản xuất, kinh doanh được. Với nhóm này, mình phải hà hơi tiếp sức, tạo điều kiện để họ vươn lên.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm