1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

"Đừng để cán bộ thuế ăn trên lưng Nhà nước"

“Một cuộc điều tra về năng lực cạnh tranh mới được công bố cho thấy, ở Hà Nội có tới 73,74% doanh nghiệp thừa nhận có sự thương lượng với cán bộ thuế để chia chác với nhau. Chưa có sự công khai nên mới có tình trạng như vậy. Đó là sự “ăn” trên lưng Nhà nước” - đại biểu QH Nguyễn Ngọc Trân khẳng định.

Hôm qua (11/8), các ĐBQH chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý thuế. Dự luật này sẽ được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

 

Cần công khai, minh bạch, bình đẳng

 

“Có ý kiến ĐBQH cho rằng dự thảo Luật còn nặng về quy định quyền hạn và nghĩa vụ của người nộp thuế, song quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức ngành thuế chưa tương xứng”, ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội cho hay.

 

Tiếp thu ý kiến này, Ban soạn thảo đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công chức ngành thuế vào 18 điều trong dự thảo luật. Tuy thế, nhiều ĐBQH vẫn chưa hài lòng với sự bổ sung này.

 

 “Vẫn còn sự chưa tương xứng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân lên tiếng. Ông Trân đề xuất cần phải bổ sung nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng trong quản lý thuế vào dự thảo luật.

 

Ông Trân đề nghị cần có quy định về tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa người nộp thuế và người thu thuế trong dự thảo.

 

Đại lý thuế: Cần hay không?

 

“Theo cách nói dân gian, đại lý thuế chính là “cò” thuế. Quy định như vậy sẽ tạo thêm một tầng nấc trung gian và sẽ tiếp tục tạo kẽ hở cho việc chia chác tiền thuế” - ông Nguyễn Ngọc Trân tiếp tục góp ý cho quy định về đại lý thuế.

 

Quan điểm này nhận được sự chia sẻ của nhiều ĐBQH phát biểu sau đó. “Không thể quy định có đại lý thuế đi nộp thuế thay cho người khác” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường bổ sung.

 

Bà Trần Thị Bắc (ĐB Phú Thọ) lại băn khoăn về tính pháp lý của đại lý thuế khi dự thảo viết “đại lý thuế có thể tư vấn pháp luật cho khách hàng”.

 

“Điều này liên quan đến Luật Luật sư, luật này quy định chỉ luật sư mới được phép làm dịch vụ tư vấn pháp luật và họ phải có rất nhiều điều kiện kèm theo” - Bà Bắc phân tích. Có vị ĐBQH còn lo ngại trường hợp đại lý thuế “ôm” tiền đóng thuế của khách hàng bỏ trốn...

 

Tuy thế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng lại ủng hộ chủ trương này. “Chúng ta đang khuyến khích doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp thuế nên phải có đại lý thuế. Đây là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực dịch vụ chứ không phải “cò” thuế” - Ông Phùng khẳng định.

 

Về sự lo ngại đại lý ôm tiền thuế chạy trốn, ông Phùng cho rằng, không nên nghi hoặc như vậy bởi “lo ngại thế thì ngân hàng, kho bạc cũng ôm tiền chạy hết”.

 

Điều tra thuế: Chỉ để điều tra bước đầu

 

Lần cho ý kiến này, khá nhiều ĐBQH đồng tình với việc trao chức năng điều tra cho cơ quan thuế. “Phải có chức năng này mới kịp thời phát hiện, xử lý nhiều thủ đoạn trốn thuế ngày càng tinh vi và đang có chiều hướng gia tăng trên thực tế” - Ông Đặng Văn Xướng, Phó Đoàn ĐBQH Long An khẳng định.

 

“Nhưng chỉ cho phép điều tra bước đầu, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội hình sự thì chuyển cho cơ quan điều tra xử lý” - ông Trần Ngọc Đường bổ sung.

 

Tuy ủng hộ việc này nhưng ông Hoàng Văn Minh (ĐB Nghệ An) lại yêu cầu Ban soạn thảo cung cấp thông tin xem có phải thực sự là các hành vi trốn thuế, gian lận về thuế gia tăng là do cơ quan thuế chưa có chức năng điều tra hay không?

 

“Hải quan cũng được giao chức năng điều tra nhưng khi thực hiện giám sát chúng tôi thấy số vụ việc mà hải quan chuyển sang cơ quan điều tra rất ít, thậm chí có năm không chuyển sang vụ nào” - ông Minh dẫn chứng.

 

Theo Hữu Khôi

Báo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm