1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão

(Dân trí) - Bão số 5 đã vào sát đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Trưa nay, tâm bão đi vào Quảng Ninh - Hải phòng. UBND các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Nghệ An...đã thông báo lệnh dừng tất cả các hoạt động trên biển, đồng thời tổ chức khẩn cấp việc di dời người dân tránh bão.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngay trong chiều 29/9, chúng tôi đã triển khai đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 5 tại các địa phương xung yếu như huyện Vân Đồn, Cẩm Phả và TP Hạ Long. Ban PCTT&TKCN đã yêu cầu trên 13.000 tàu thuyền trên địa bàn tỉnh đã về nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 168 tàu đánh cá xa bờ; 475 tàu du lịch đã về nơi tránh trú bão.

Ông Hậu cho biết thêm, công tác di dời người dân tại những khu vực trọng yếu khi cơn bão đổ bộ được quan tâm đặc biệt. Trong khu vực Vịnh Hạ Long có 3 làng chài với tổng số nhân khẩu trên dưới 500 người. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng chức năng phối hợp di dời toàn bộ số dân của 2 làng chài vào các hang đá trong vịnh để tránh bão. 

Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 1
Tàu thuyền của ngư dân đã tìm chỗ lưu trú an toàn trên Vịnh Hạ Long trước giờ bão số 5 đổ bộ.

Với các làng chài còn lại, Ban PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh sẽ xem xét di dời toàn bộ người dân vào bờ tránh bão. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng đang triển khai gấp rút việc di dân đối với trên 4.000 nhà bè, lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định là kiên quyết không để bất cứ một người dân nào trên biển khi bão đổ bộ. Những hộ dân không chịu rời nhà bè lồng bè lên bờ tránh bão sẽ bị cưỡng chế bắt buộc lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
 
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 2
Những du khách thăm vịnh cuối cùng hối hả lên bờ tránh bão.
 
Tại khu vực xung yếu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng khi bão về, TP Hạ Long đã triển khai các phương án di dời các hộ dân xung quanh Dự án đô thị Đồi Chè và dân cư tại Chung cư Cột 8 - phường Hồng Hà - TP Hạ Long để đề phòng sạt lở núi.
 
Đến 23 giờ cũng ngày, tại huyện đảo Cô Tô đã có mưa kèm gió giật lên đến trên cấp 7, biểu hiện của cơn bão đang dần mạnh lên tại một số khu vực trọng yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như huyện Vân Đồn, Yên Hưng và TP Hạ Long. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa nặng hạt, cục bộ trên từng khu vực. Tin từ UBND TP Hải Phòng vừa cho biết, tính đến 23 giờ đêm nay 29/9, đã chính thức thông báo di dời khẩn cấp hơn 7.000 người dân tại các điểm xung yếu trực tiếp ảnh hưởng khi bão số 5 đổ bộ vào bờ tại 2 huyện Vĩnh Bão và Thủy Nguyên.
 
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 3
Gió bão kéo xô ngọn cây bên bờ biển Đồ Sơn.
 
Cùng thời điểm tại huyện Cát Bà, công tác sơ tán khẩn cấp người dân cũng đang được các đơn vị liên quan gấp rút thực hiện. Đã có trên 5.000 người dân trên đảo được thông báo di dời vào các địa điểm tránh bão an toàn. Toàn bộ 1.000 khách du lịch ra đảo Cát Bà được thông báo trở về đất liền. Đến chiều cùng ngày, có 634/748 phương tiện cùng với 1.213/1.619 lao động  neo đậu tại các bến. Số còn lại đều được thông báo về nơi trú tránh an toàn.
 
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 4
Những hộ kinh doanh bên bờ biển tranh thủ giằng níu cửa hàng trước bão.
 
Đáng chú ý, trên địa bàn huyện Cát Hải còn khoảng 4 km đê xung yếu, có khả năng vỡ khi có bão đổ bộ kết hợp với triều cường. Từ hơn 23 giờ đêm cùng ngày, tại huyện đảo Cát Hải đã có gió lớn giật từ cấp 7 đến cấp 8, mưa bắt đầu to dần và trải dài cục bộ trên từng khu vực.
 
Huyện Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8 giật cấp 10. Huyện huy động toàn bộ lực lượng trên địa bàn triển khai phòng chống bão, rà soát toàn bộ số dân ở khu vưc nguy hiểm tiến hành di dời về nơi tránh trú an toàn.
 
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 5
Nhiều nhà hàng đã hoàn thiện xong việc chốt chặn trước cửa sẵn sàng đón bão.
 
Khu vực biển thị xã Đồ Sơn đã xuất hiện mưa nặng hạt, sóng biển chưa có dấu hiệu dồn cao đánh mạnh vào bờ. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng kinh doanh ăn uống đã đóng kín cửa, các cung đường trên khu du lịch biển trở nên vắng vẻ hẳn, người dân đang hối hả hoàn tất các phương án tối ưu nhất để chống chọi với cơn bão dang trên đường tiến vào bờ.

Nam Định: Họp khẩn 3 khu vực xung yếu lên phương án chống bão

Tính đến chiều cùng ngày, Ban chỉ huy PCLB đã thông báo diễn biến bão số 5 cho tất cả 2.373 tàu thuyền và 1.171 chòi canh vây vạng. Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến, bãi ngang là 2.077 chiếc; số tàu thuyền hoạt động ở khu vực đầm bãi gần bờ đi về trong ngày là 283 tàu với 650 ngư dân; có 13 tàu với 78 ngư dân đánh bắt xa bờ đang neo đậu tại cửa Hội (Nghệ An), cửa Sót (Hà Tĩnh), cửa Gianh (Quảng Bình) và khu vực Vùng Tàu.

Tỉnh Nam Định xác định các công trình đê kè xung yếu cần đặc biệt quan tâm gồm tuyến đê biển Hải Phúc, Hải Lộc, Hải Đông, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hoà (Hải Hậu); đê biển xã Giao Xuân, Giao Phong (Giao Thuỷ), đê biển xã Nghĩa Thắng, Nam Điền, Nghĩa Hải, Cồn Xanh; đê tả hữu sông Sò và đê hữu sông Ninh Cơ. Đây là những tuyến đê có mặt cắt thấp, làm bằng đất cát nên khả năng chống chịu rất hạn chế. 

Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 6
Lực lượng bộ đội biên phòng khẩn trương giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu ba huyện ven biển thực hiện ngay việc cấm tàu thuyền ra khơi; triển khai sơ tán người già, trẻ nhỏ ở tuyến đê chính, cửa sông xong trước 11 giờ ngày mai và toàn bộ số dân còn lại ở địa bàn này sơ tán sâu vào nội đồng xong trước 15 giờ chiều mai.

Từ 20 giờ đêm 29/8, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa nặng hạt kèm gió giật lên tới cấp 5 tại các tuyến đường chính trong nội thành Nam Định.

Nghệ An: Đề phòng một số điểm bị chia cắt dài ngày

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, đối phó với bão, mưa lũ, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An yêu cầu thực hiện ngay một số việc cấp bách.
Theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, không cho tàu thuyền ra khơi, những tàu thuyền đã về nơi trú đậu phải được chằng, néo an toàn đề phòng gió bão va đập; tuyệt đối không được để người ở trên tàu trong khi có bão.
 
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 7
Người dân vùng biển Nghệ An tháo dỡ quán, nhà cửa ở khu vực ven biển.

Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân. Chủ động chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, đề phòng bị chia cắt dài ngày theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, công sở, biển hiệu, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão vào; Căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học.

Khẩn trương chỉ đạo nhân dân thu hoạch nhanh các trà lúa Hè Thu, lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" và các sản phẩm hoa màu khác.

Kiểm tra an toàn và vận hành các công trình trong hệ thống thủy nông, thủy điện, chủ động tiêu nước đệm sẵn sàng tiêu úng kịp thời khi có tình huống ngập lụt; kiểm tra, bảo vệ an toàn các hồ đập, đê điều. Triển khai lực lượng tuần tra canh gác, sẵn sàng ứng cứu cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là các tuyến đê biển.
Dừng các hoạt động trên biển, khẩn cấp di dời dân tránh bão - 8
Người dân ven biển Nghệ An hối hả tháo quán chạy bão.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh: Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu và giúp dân sơ tán người và tài sản khi có yêu cầu.

Các Sở, Ban Ngành cấp tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, đi xuống cơ sở để chỉ đạo và phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 5; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cựu nạn tỉnh.
 
Nghệ An hiện thời tiếp đang có mưa lớn xảy ra rải rác trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, tại huyện miền núi Kỳ Sơn do ảnh hưởng của mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn huyện này liên tục xẩy ra sạt lở. Người dân bản Cầu Tám, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn phát hiện một vết nứt lớn trên núi nằm sát hàng chục hộ dân trong bản.
Vết nứt xuất hiện từ chân núi, kéo dài khoảng 70 - 80m. Tại chân núi vết nứt rộng 10 - 20cm nhưng lên cao có chỗ rộng tới 40- 50 cm. Tại một số điểm đất đã sụt lún xuống 2m. Đây không phải là lần đầu ngọn núi này bị nứt. Năm 2005 cũng đã từng xẩy ra trường hợp tương tự nhưng vết nứt nhỏ hơn và không nguy hiểm. 
 
Bản tin bão của VTV1 - Đài THVN

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cơn bão số 5 đang đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ đến độc giả.

 Anh Thế - Quốc Đô - Nguyễn Duy