1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đừng bắt xe lưu thông với tốc độ “rùa”!

Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các bộ ngành, tỉnh thành góp ý dự thảo mới qui định về tốc độ xe lưu thông trên các quốc lộ. Nhiều người cho rằng dù tốc độ xe có tăng thêm 10-20 km ở vùng ngoại thành, ngoại thị thì vẫn là tốc độ “rùa”.

TS Nguyễn Hữu Hường, phó chủ nhiệm khoa kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Thiệt hại kinh tế rất lớn.

 

Qui định ôtô con chạy với tốc độ 80 km/giờ và xe tải, xe khách chạy với tốc độ tối đa 50-60 km/giờ đều là tốc độ “rùa”. Vì các loại ôtô con phần lớn được thiết kế 120-160 km/giờ và xe tải, xe khách thiết kế tốc độ 100-111 km/giờ.

 

Tốc độ xe chạy quá chậm làm tiêu hao nhiêu liệu, ô nhiễm môi trường nhiều hơn và giảm tuổi thọ xe. Qui định tốc độ bất hợp lý là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực giữa người lái xe và người quản lý giao thông trên đường.

 

Không nên đánh đồng việc tăng tốc độ xe với tai nạn giao thông tăng. Bởi vì xe chạy nhanh và đúng qui định giao thông khác xe chạy chậm mà chạy ẩu gây tai nạn giao thông. Theo tôi, không nên qui định chung một loại tốc độ xe lưu thông trên đường như Bộ Giao thông vận tải ban hành mà cần đưa ra qui định phù hợp như ở những đoạn đường trống trải hoặc ban đêm có ít xe lưu thông cho phép xe chạy với tốc độ cao hơn.

 

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TPHCM: Qui định bất hợp lý

 

Ở các nước, người ta qui định nhiều loại tốc độ xe vì họ có nhiều làn đường dành cho từng loại xe. Trong khi ở nước ta qui định nhiều loại xe chạy với tốc độ khác nhau trên cùng một làn đường là bất hợp lý. Do đó, trên làn đường dành cho ôtô, xe du lịch loại tốc độ cao phải chờ rất lâu mới xin đường qua mặt xe tải, xe khách càng gây mất an toàn giao thông vì có đoạn xe tải phải ép vào làn xe thô sơ hỗn hợp.

 

Đừng lo sợ việc điều chỉnh tăng tốc độ sẽ gây mất an toàn để rồi buộc xe phải chạy với tốc độ “rùa” và cũng không vì lý do trên để rồi hạn chế tốc độ xe tải, xe khách. Bởi vì thực tế các xe đều được kiểm định đã bảo đảm độ an toàn mới đưa ra lưu thông. Vấn đề chính là các cơ quan hữu quan cần có biện pháp xử lý mạnh như buộc hạ tải xe chở khách, chở hàng quá tải mới cho đi tiếp, thay vì chỉ xử phạt tiền rồi cho xe quá tải tiếp tục lưu thông trên đường. Các cơ quan hữu quan cũng cần tính đến việc xây dựng cầu vượt ở các giao lộ với quốc lộ để bảo đảm an toàn giao thông và tăng tốc độ xe.              

 

Ông Bùi Tá Khanh - chuyên viên Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam: Hơn 60% đường có độ ma sát dưới yêu cầu

 

Hiện nay, phần lớn đường được thiết kế cho tốc độ xe lưu thông 80 km/giờ, chỉ có một ít đến 100 km/giờ. Điều bất lợi chính là chưa có sự kiểm soát tốt về chất lượng mặt đường. Đó là nhiều nơi mặt đường sử dụng lâu ngày không còn độ ma sát, hoặc có nơi làm mặt đường không đạt yêu cầu về chất lượng ma sát. Ngành hữu quan đã kiểm tra cho thấy mặt đường có độ ma sát dưới yêu cầu chiếm 60-70%.

 

Hiện nay, tốc độ xe lưu thông trên đường bị hạn chế do mặt đường vừa có làn ôtô và xe hỗn hợp lưu thông. Đồng thời, phần lớn các giao lộ với quốc lộ không được xây dựng nút giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui), nên việc tăng thêm tốc độ không bảo đảm an toàn giao thông.

 

Tuy nhiên, có nhiều đoạn đường xe chạy được với tốc độ cao hơn, thế nhưng mấy ông ở Bộ Giao thông vận tải vẫn không dám qui định tốc độ cao hơn. Có thể nói nếu mặt đường được trải thêm một lớp nhựa đường tạo độ bám thì xe có thể tăng thêm tốc độ. Vấn đề ở đây là bài toán kinh tế về hiệu quả vận tải và hiệu quả đầu tư. Bởi vì đầu tư nhựa mặt đường tạo độ bám dính vốn rất lớn. Đồng thời cần tính đến việc xây dựng cầu vượt ở các quốc lộ đoạn qua khu dân cư.

 

Theo tôi, việc nâng chất lượng mặt đường cần làm dần dần, nhất là sử dụng vốn duy tu để nâng cấp mặt đường. Thế nhưng, việc quản lý duy tu cầu đường do các đơn vị nhà nước đang làm không bảo đảm thường xuyên mặt đường tốt. Chúng tôi biết ngành giao thông đang có hướng xã hội hóa lĩnh vực này, hi vọng chất lượng mặt đường sẽ tốt hơn.  

 

Theo Ngọc Ẩn

Tuổi Trẻ