1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TP.HCM:

Đùa với “tử thần” trên sông

(Dân trí) - Vụ chìm tàu xảy ra tại khu vực biển Cồn Ngựa (xã Nhơn Lý, huyện Cần Giờ, TP.HCM) vào tối 2/8 làm 9 người thiệt mạng như một hồi chuống cảnh tỉnh về an toàn khi tham gia giao thông đường thủy.


Vụ tàu H29-BP chở 30 hành khách từ Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang đi Vũng Tàu gặp nạn khiến 9 người thiệt mạng vào tối 2/8, bước đầu nguyên nhân được xác định là do tàu chở số người vượt quy định, lái tàu không thông thạo đường có cả yếu tố trên tàu không trang bị đủ số lượng áo pháo cho khách.

Trong thời khắc chiếc tàu gặp nạn anh Trần Hữu Hiệp đã dũng cảm cứu nhiều người khác và cởi chiếc ao pháo đang mặc trên người để nhường cho một thai phụ để rồi sau đó chính anh đã phải bỏ mạng giữa biển đêm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau vụ tai nạn trên, nhiều hành khách qua các phà, đò trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương vẫn phớt lờ với quy định nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình.

Thờ ơ với những quy định trên sông là tự đùa với tử thần
Thờ ơ với những quy định trên sông là tự đùa với "tử thần"

 Tại bến đò An Phú Đông (nối quận 12 với Gò Vấp) có hàng chục chuyến đò ngang sông Vàm Thuật mỗi ngày tuy nhiên, không một hành khách nào mặc áo phao, những người có trách nhiệm cũng không hề nhắc nhở mặc, áp dụng các nội quy ghi trên biển hiện đóng trên đò.

Chỉ khi phát hiện phóng viên ghi hình, nhân viên của phà mới vội vã làm các thủ tục phát áo phao cho vài người đứng đầu.
Tại bến phà Phú Định, hai chiếc phà liên tục hoạt động chở khách từ quận Bình Tân qua quận 8 và huyện Bình Chánh. Trên phà đầy ắp người và hơn 50 xe máy xếp kín. Mặc dù có rất đông hành khách nhưng chuyện mang một chiếc áo phao lên người là điều hiếm thấy.

Tương tự ở bến đò Trạm có hai đò thay nhau chở khách từ bên bờ sông Đồng Nai thuộc địa phận thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương qua phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và ngược lại.

Ghi nhận vào sáng ngày 9/8 chiếc đò mang số hiệu: ĐN – 0833. có trang bị áo phao nhưng phần lớn là áo phao đã cũ, có nhiều chiếc bị mất một phần xốp bên trong. Đa phần những chiếc áo phao này chỉ để cài trên thành đò cho có chứ không có hành khách nào mặc. Mặc dù trên đò có tấm bảng với dòng chữ “Xin quý khách vui lòng mặc áo phao” nhưng khi khách lên nhân viên trên đò không hề nhắc nhở hoặc buộc người đi phải tuân thủ các quy định này.

Những chiếc phao cũ nát gắn trên thành đò
Những chiếc phao cũ nát gắn trên thành đò

Đặc biệt, khi chiếc đò ra đến giữa dòng thì bất chợt một sự cố xảy ra, nhân viên trên đò phải cầm chiếc mỏ lết để chỉnh máy, cố đưa những khách trên đò vào bờ nhưng hầu hết hành khách thản nhiên cười đùa không cảm nhận được sự nguy hiểm rình rập.

Dù ở cả hai bờ Bình Dương và Đồng Nai đều treo bảng “nội quy đi đò” trong đó có điều quy định người đi đò phải mặc áo phao nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Theo quy định tại Thông tư số 15/2012 của Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 15/7, tất cả hành khách, người lái phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao trong suốt hành trình di chuyển đến khi cập bến an toàn.

Chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông từ chối chuyên chở với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao...

Trung Kiên – Trọng Nghĩa – Sỹ Phương