1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đứa trẻ hành hung người cũng là “nạn nhân”

(Dân trí) - “Trong các video clip học sinh đánh đập bạn, đứa trẻ hành hung người khác là đáng lên án, nhưng ở một góc độ khác, nó cũng là một kiểu “nạn nhân” để chúng ta phải suy nghĩ", ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục- đào tạo Đà Nẵng nhìn nhận.

Đứa trẻ hành hung người cũng là “nạn nhân”               - 1
Ông Nguyễn Minh Hùng
 
Thưa ông, qua các đoạn băng ghi hình học sinh đánh đập bạn, ông có ý kiến gì về sự sa sút đạo đức và ý thức của một bộ phận các em hiện nay?

Đó là những gì đã được “trưng” ra cho mọi người xem. Còn những chuyện tương tự như vậy ở những nơi không có người chứng kiến chắc sẽ khiến chúng ta lo lắng hơn. Hiện nay, nói cho công bằng, sự sa sút đạo đức, ý thức kém đâu chỉ có xuất hiện trong học sinh, sinh viên.

Trong các video clip vừa xem, ở một góc độ khác, đứa trẻ đang hành hung người khác là đáng lên án, đáng trách, nhưng nó cũng là một kiểu “nạn nhân” để chúng ta phải suy nghĩ. Và cũng trong đoạn video ấy, có khá nhiều bạn nam nữ dửng dưng (và còn ai nữa đang dửng dưng?) đứng xem việc “hành xử” kiểu ấy. Xã hội, gia đình và nhà trường phải cùng nhìn nhận vấn đề này, cùng bắt tay vào những việc làm trước mắt và lâu dài để khắc phục những hành vi tương tự. 

Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu thưa ông?

 Đây không phải là hiện tượng mới phát sinh, nhất thời mà có căn nguyên từ khá lâu trong quan niệm, chiến lược, cách thức quản lí, giáo dục trẻ từ nhiều năm trước.

Tôi chưa đồng ý với cách giải thích nguyên nhân của “bạo lực học đường”, và nhiều tiêu cực khác, là do kinh tế thị trường, giao lưu quốc tế, thông tin bùng nổ... Điều này có tác động đương nhiên. Ở nhiều quốc gia, họ còn bị ảnh hưởng lớn và phức tạp hơn ta như Nhật, Singapore... nhưng tại sao họ hạn chế được hiện tượng trên?!

Ở đây, vấn đề giáo dục cần được đặt ra. Giáo dục theo nghĩa rộng, không phải chỉ là chuyện dạy học ở nhà trường, không phải là giao con cái cho nhà trường là yên tâm. Phải có một chiến lược giáo dục, theo nghĩa “quốc sách”, mà trong đó, từ quan điểm, hệ thống, lực lượng phối hợp đến nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện v.v... phải xoay quanh việc định hướng, phát triển nhân cách trẻ ngay từ lúc chuẩn bị lọt lòng cho đến khi trưởng thành.

Nói “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người” là theo nghĩa không coi trọng giáo dục nhân cách. Thực ra, dạy chữ phải đồng thời là dạy người; dạy người với việc dạy chữ có chung một mục tiêu. Làm sao để đứa trẻ ý thức được rằng, việc hành hạ, đánh kẻ yếu hơn, con gái mà dùng vũ lực, văng tục, sỉ nhục kẻ khác chính là nỗi hổ thẹn lớn nhất, là không ra con người, là phạm pháp v.v... Điều đó phải trở thành ý thức tự giác trong các em chứ không phải để các em vi phạm rồi truy tìm và xét xử. Câu chuyện ấy phải là của cả một nền giáo dục; bao giờ cũng phải tính đến trước tiên, thường xuyên, bất cứ ở đâu và lúc nào, không bao giờ là sớm hay muộn.

Có những nguyên nhân cụ thể phải tính đến. Cha mẹ lo làm ăn, thiếu quan tâm (ngay cả gia đình khá giả), nuông chiều con quá, chỉ biết giao khoán cho nhà trường; việc phối hợp giữa thầy cô giáo - cha mẹ học sinh - địa phương còn lỏng lẻo; việc hướng dẫn kĩ năng sống, thái độ ứng xử văn hoá chưa được chú trọng đúng mức; công tác tư vấn cho trẻ chưa coi trọng. Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ thấy đâu cũng có người (cha mẹ, thầy cô, bạn bè...) nhưng lại như đang bị bỏ rơi, thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ ban đầu. Hoàn cảnh ấy sẽ là “cơ hội” đưa đẩy các em tới với sự vô cảm, kẻ xấu, game, chất kích thích, phim đen, bạo lực...   

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm hạn chế bạo lực trong học sinh trên địa bàn Đà Nẵng?

Tình trạng “bạo lực học đường” nếu đổ hết cho nhà trường là không phải nhưng nhà trường không thể không nhận lãnh trách nhiệm. Cán bộ quản lý, giáo viên, phải thực hiện những biện pháp cụ thể, kịp thời và hiệu quả; không hô hào, rao giảng đạo đức chung chung. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Biện pháp giáo dục, ngăn chặn, phối hợp phải phù hợp với diễn biến tình hình, nhất là trong việc nắm bắt tâm lí, tình cảm, hành vi của từng học sinh. 

Gia đình giữ vai trò hàng đầu trong việc nuôi dạy, theo dõi, giúp đỡ, giám sát con em. Qua theo dõi các vụ việc vi phạm của học sinh thì hầu như các em không được sự chăm sóc tốt của cha mẹ. Các bậc cha mẹ trước khi tuyên bố “bó tay” với con, hãy tự hỏi trách nhiệm, biện pháp của mình đến đâu, như thế nào, trục trặc ở khâu nào, cần sự tư vấn, giúp đỡ gì và từ phía nào.

Gia đình phải là nơi đầu tiên (và có lẽ cuối cùng) gần gũi nhất, thuận lợi nhất để phát triển nhân cách. Cha mẹ cần dành thời gian quan tâm đến con cái, từ việc ăn ngủ, giờ giấc đến trường, đi chơi, bạn bè, yêu đương, sở thích, việc truy cập và các trò chơi trên internet...; để vừa tạo điều kiện (trong khả năng) vừa điều chỉnh, giúp đỡ các em.

Tâm lý, tình cảm học sinh mỗi thời kì đều có sự chuyển biến khác nhau, cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Thế hệ học sinh - sinh viên hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lí khác với thế hệ học sinh cách đây vài chục năm, do kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá và công nghệ thông tin phát triển nhanh. Sai lầm của một số không ít người lớn (cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý) là vẫn nghĩ về các em như ngày chúng ta còn bé dại. Đã không hiểu đúng, không “đồng hành” cùng các em thì rất khó để giáo dục các em.

Xin cảm ơn ông!

 

Ông Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều Hà Nội: Nạn bạo lực học đường xảy ra ngày một nhiều, đáng báo động. Ví dụ như hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy, ẩu đả... gần như không còn hiếm trong giới học đường.

Nguyên nhân là do sự quan tâm và tình yêu của cha mẹ đối với con cái có nhiều thay đổi, khoán trắng cho nhà trường mà quên rằng gia đình là cốt lõi trong việc giáo dục. Ở trường, các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân ở  trường còn nặng về tính triết lí cao xa, ít thực tiễn.

Theo tôi, cần  tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực trong học sinh thông qua việc lồng ghép nội dung chương chình các môn học, các hoạt động tập thể. Ngoài ra,thầy cô giáo phải là những tấm gương sáng, là điểm tựa cho các em về mọi mặt.

Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính và Tệ nạn xã hội:Công tác phối hợp trong việc phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên giữa chính quyền và công an địa phương với các nhà trường ở vẫn còn hạn chế, nặng về hình thức. Việc tổ chức thực hiện các kế hoạch phòng ngừa đấu tranh mới dừng ở mức độ nhất định.

Theo Thiếu tướng Rụ, mô hình liên kết “Trường – Phường” đã thực hiện thí điểm đạt hiệu quả tốt, vì thế, Bộ Công an và Bộ GD-ĐT cần có quy chế phối hợp và văn bản thống nhất chỉ đạo lực lượng công an và các trường học tổ chức phối hợp trong công tác quản lý HS-SV để mô hình này được triển khai nhân rộng trên toàn quốc.

Hồng Hạnh

Khánh Hiền (thực hiện)