1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Đua nhau đến miếu thờ ngài xin “thuốc tiên” chữa bệnh

(Dân trí) - Chưa có ai nhờ uống thuốc ở miếu mà khỏi bệnh nhưng những lời đồn đoán về sự linh thiêng của miếu ngài vẫn khiến nhiều người dân từ khắp nơi kéo về đây xin “thần dược”.

Nhiều năm qua, người dân từ khắp mọi nơi đua nhau tìm về ngôi miếu ngài Đông y ở thôn Phú Lễ, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị để cầu khấn mong nhận được “thần dược” giúp chữa khỏi bệnh.

Mộ ngài lúc nào cũng có người đến xin thần dược.
Mộ ngài lúc nào cũng có người đến xin "thần dược".

Ngôi miếu đã có từ hàng trăm năm nay, tọa lạc giữa cánh đồng thôn Phú Lễ. Trong vai người đi xin “phép tiên dược”, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với nhiều người đến cầu khấn tại miếu ngài. Họ đều tin tưởng rằng ngài sẽ “hiển linh” để giúp chữa bệnh cho họ.

Ông Bình (quê ở Triệu Phong) cho biết, vợ ông bị đau nặng, sau nhiều lần đi bệnh viện chữa nhưng chưa hết. Nghe mọi người kể miếu ngài linh thiêng nên tìm đến đây cầu khấn, mong ngài cho thuốc chữa bệnh. “Tui nghe nói miếu ngài rất linh và đã ban “thần dược” cho nhiều người khỏi bệnh rồi nên tìm đến đây. Tui đi mấy hôm nay rồi. Hy vọng vợ tui sẽ khỏi bệnh và có thể sinh hoạt được bình thường”, ông Bình chia sẻ. 

Hầu hết mọi người đến làm lễ ở miếu ngài đều mang theo một chai nước, rượu, nhang và trái cây. Sau khi đặt lễ lên bàn thờ, những người này sẽ khấn vái rồi tung 2 đồng xu trên đĩa. Theo những người này cho hay, nếu ngài đồng ý sẽ khiến 1 đồng xu nằm sấp, một đồng xu nằm ngửa, còn đều ngửa hoặc đều sấp tức là khấn chưa thành tâm nên ngài chưa cho thuốc (?).

Những người này đều tin tưởng rằng ngài sẽ “ban phép tiên”, hóa “thần dược” trong những chai nước, hoặc rượu đặt trên bàn thờ. Họ sẽ mang thứ đó về nhà, dùng nước để uống, còn rượu dùng để xoa lên vết thương.

 Người đến bày lễ, khấn xin ngài ban phép tiên chữa bệnh 
 Người đến bày lễ, khấn xin ngài "ban phép tiên" chữa bệnh 

Trời đã về tối nhưng chị Lan (một vị khách ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) vẫn cố đợi đến lượt mình để vào lễ. Chị Lan cho biết, người thân của chị bị bại liệt đã mấy năm nay, nghe mọi người kể về miếu ngài linh thiêng nên tìm đến đây xin “thần dược”.

“Nghe mọi người kể rằng đến khấn ngài rồi xin thuốc về chữa bệnh, thầy sẽ hiển linh giúp đỡ nên tôi tìm đến đây. Chưa biết ra sao nhưng mình cứ thành tâm đã, biết đâu ngài động lòng rồi giúp đỡ. Nhiều người ở chỗ tôi đến đây khấn và xin thuốc nên đã khỏi bệnh rồi” – chị Lan nói.

Để tìm hiểu rõ hơn về những câu chuyện nặng tính hoang đường trên, chúng tôi đã tìm gặp một số cụ cao niên trong thôn Phú Lễ. Theo lời kể của các cụ, ngôi miếu này có từ đầu thế kỷ thứ XVI. Cạnh ngôi miếu có 3 ngôi mộ, một ngôi nhô cao gọi là mộ ngài, còn 2 ngôi thấp hơn gọi là mộ cậu. Tương truyền rằng, ngôi mộ ngài là của 1 vị tướng rất giỏi thời Hậu Lê. Vị tướng này tinh thông võ nghệ lại giỏi nghề thuốc. Trong quá trình đi theo một đạo quân chinh phạt vùng phía Nam, ngài đã đặt chân đến vùng này.

Khi về lưu lại tại thôn Phú Lễ, vị tướng này đã nhiệt tình bốc thuốc chữa bệnh, cứu người mà không đòi hỏi công cán. Theo tài liệu làng còn lưu lại, vị thầy thuốc trên chuyên về Đông y, thường chữa các bệnh về xương khớp, ung nhọt… Đến lúc ngài mất, dân làng tỏ lòng thành kính lập 1 ngôi miếu bằng tranh tre nhỏ bên cạnh mộ và ngọi là miếu ngài. Hằng năm bà con trong thôn tổ chức cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của ngài.

Trong những năm chiến tranh ác liệt, bom đạn đã làm ngôi miếu bị hư hỏng hoàn toàn. Sau khi chiến tranh kết thúc, một số cán bộ và người dân trong thôn Phú Lễ tiến hành khai quật ngội mộ ngài. Kết quả, ngôi mộ này không còn gì và cũng không phát hiện ra bất cứ một vật gì liên quan đến vị tướng kia. Ngay cả tiểu sành cũng không có. Sau đó mọi người lấp lại hiện trạng. Do dân làng quá khó khăn nên không có đủ điều kiện để xây lại ngôi miếu.

Cũng theo những vị cao niên cho hay, có thể ngôi mộ của ngài không được chọn tại làng Phú Lễ mà ở được táng trên rừng. Ngôi mộ này chỉ là ngôi mộ gió, các cụ thời trước tạo nên để tưởng nhớ công ơn của người có công trạng với dân làng.

Gần đây, do người dân ở các nơi đến đông, họ có nguyện vọng góp tiền xây lại ngôi miếu. Họ đã dựng lại 1 ngôi miếu ở trên bãi đất - nơi có mộ ngài yên nghỉ. Mộ ngài cũng mới được người dân đắp lại. Giờ đây, phía sau miếu, thôn Phú Lễ còn để 1 cái hòm công đức, phía trên có ghi dòng chữ công đức để xây đường vào mộ ngài.

Ông Hà Ngọc Cảnh, người dân khu phố 7, thôn Phú Lễ cho biết, nhằm tưởng nhớ công lao của người thầy thuốc, trong thời gian lưu lại mảnh đất này đã giúp chữa bệnh cho nhiều người dân nên từ năm 2013, địa phương đã cho xây dựng lại ngôi miếu này để người dân địa phương đến nhang khói. Riêng về chuyện ngài “ban phép” giúp mọi người chữa bệnh thì chỉ là lời đồn đoán, chưa ai kiểm chứng. 

Ông Lê Văn Ngọc, (76 tuổi) cho hay, từ nhiều năm qua ông thường xuyên lui tới ở miếu ngài để làm vệ sinh cho miếu được sạch sẽ. Theo ông Ngọc, mỗi ngày có vài chục người đến khấn vái và xin “thuốc tiên” ở miếu ngài, những ngày lễ, rằm…thì đông hơn. Khách tìm đến miếu ngài cầu khấn không chỉ ở Quảng Trị mà đến từ rất nhiều địa phương trong nước.

Còn cụ Lê Văn Toại (84 tuổi, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi) cho biết: “Không hiểu tin đồn từ đâu mà người dân ở khắp nơi mang nước đến đặt nơi mộ ngài khấn vái ngày càng đông như thế. Địa phương chưa bao giờ khuyến khích việc khấn vái kiểu này, và cũng chưa tuyên truyền điều gì. Dù không ngăn cấm nhưng từ trước đến nay, ai đến khấn vái và lưu lại phải được sự cho phép của chính quyền địa phương”.

 Người đến bày lễ, khấn xin ngài ban phép tiên chữa bệnh 
Dù sinh sống cạnh mộ ngài nhưng cụ Toại khẳng định tin đồn "ngài hiển linh chữa bệnh" là không có thật.

Là bậc cao niên của làng, cụ Toại trăn trở: “Vì ghi nhớ công lao của vị danh tướng đã giúp chữa bệnh cho nhiều người nên dân làng mới lập miếu để mọi người đến nhang khói, cũng là đáp ứng nhu cầu tâm linh của mọi người. Tuy nhiên, việc chỉ nghe theo những lời đồn đoán, thiếu cơ sở khoa học rằng ngài “ban phép” chữa bệnh rồi tập trung đến đốt nhang, khấn xin là điều không nên. Tôi thấy đó là mê tín dị đoan chứ không thực tế chút nào, đau ốm phải vào bệnh viện khám, điều trị mới khỏi được. Đừng vì mê tín mà tốn thời gian, tiền của vô ích”.

Đăng Đức