1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Đưa người sang Nga… ăn xin

Mấy ngày qua người dân xã Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) xôn xao về một đường dây lừa đảo đưa người lao động sang Nga rồi bỏ mặc. Hầu hết các cô gái trẻ “mắc bẫy” phải sống chui lủi, đi ăn xin, sống lay lắt mong ngày về...

Đưa người sang Nga… ăn xin - 1
Các nạn nhân đang trình bày sự việc với PV
 
8 cô gái trẻ sa bẫy người cùng quê

 

Tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở xóm 4 (xã Đồng Trạch), ông Trương Tuấn kể lại: “Vào khoảng tháng 11/2008, ông Dương Tiến Lực (người cùng thôn) có con gái là Dương Thị Mai Phương và con rể tên Quốc đang sinh sống ở Nga thông báo tuyển lao động sang Nga làm việc tại công ty điện tử thuộc Bộ Quốc phòng Nga với mức lương 800 rúp/ngày. Lệ phí cho mỗi lao động trọn gói là 45 triệu đồng. Nếu lao động sang bên đó mà không có việc làm thì ông Lực sẽ mua vé cho về và hoàn trả toàn bộ chi phí, kể cả 45 triệu đồng đã nộp...”.

 

Tin vào lời của người cùng quê, 8 gia đình có con đang tuổi mới lớn đã vội làm hồ sơ, vay nóng tiền nộp đủ để hy vọng con cái sẽ đỡ đần được cho gia đình, cải thiện cuộc sống đang khó khăn.

 

Tám cô gái gồm: Trần Thị Hợi, Dương Thị Thùy Dung, Trương Thị Hương (con ông Trương Tuấn), Đỗ Thị Hồng, Dương Thị Ngọc Hà, Dương Thị Phượng, Dương Thị Thu Hoài và Dương Thị Hoa được đưa ra sân bay Nội Bài để sang Nga.

 

Sau chuyến bay dài, 8 cô gái xuống sân bay và được gia đình Dương Thị Mai Phương đón về. Sau đó, hai cô Dương Thị Thu Hoài và Dương Thị Hoa tách khỏi đoàn và đi đâu không rõ...

 

Ăn xin để sống

 

Thay vì vào làm ở công ty điện tử, 6 cô gái được đưa vào làm ở một xưởng may mặc nhỏ. Tuy nhiên, công việc ở đây cũng không nhiều nên có tháng các cô chỉ làm được tổng cộng một tuần. Hai tháng làm trong tình cảnh thiếu việc nên các cô không được chủ trả tiền công mà độ nửa tháng chỉ cấp cho 10 kg gạo.

 

Đến tháng thứ ba, họ lại phải chuyển công việc. Lần này, các cô được đưa vào làm ở một xí nghiệp mỹ phẩm cách chỗ ở khoảng một giờ rưỡi đi ô tô. Ở đây, các cô bị ép làm quần quật từ 6 giờ đến 22 giờ mới được nghỉ. Nhiều cô do ăn uống kham khổ, làm việc quá sức nên đổ bệnh. Mỗi khi như thế, ông chủ vẫn bắt làm việc với lời hăm dọa: “Nếu nghỉ sẽ đuổi ra khỏi chỗ ở”.

 

Cô Trần Thị Hợi cho biết: “Chúng tôi được chủ bố trí ở trong một căn phòng rộng chừng 6 m2, gồm 9 người. Toàn bộ đồ dùng như bát, đũa, xoong nồi nấu ăn đều phải tự mua sắm. Sang được mấy hôm thì trời lạnh, có hôm âm 36 độ. Mấy chị em mặc tất cả áo quần vào rồi ôm chặt lấy nhau nhưng vẫn rét run người...”.

 

Bốn tháng ở bên Nga, cả sáu chị em bị cảnh sát Nga bắt 2 lần vì ở “lụi”. Lần đầu cảnh sát cho về và thu hết hộ chiếu, phải nhờ người quen đi chuộc về với lệ phí 3.000 rúp/người (khoảng 1,5 triệu đồng). Lần thứ 2 cũng vậy, nhưng giảm xuống còn 1.000 rúp.

 

Làm được gần 2 tháng thì xưởng mỹ phẩm giải thể. Để có cái ăn, hằng ngày các cô phải ra chợ xin ăn. Nhiều người Việt thương tình cho tiền, gạo, thức ăn để sống qua ngày. Nhưng cũng có khi không xin được, các cô phải lấy cơm nguội, đồ thừa để ăn.

 

Cô Dương Thị Thùy Dung kể: “Chúng tôi liên lạc với vợ chồng cô Phương nhờ đưa về nước nhưng họ bảo muốn về thì nói người nhà gửi tiền qua mua vé mà về. Khi chúng tôi nói căng thì cô ta trở giọng dọa sẽ thuê người “xử” nếu chúng tôi không chịu nghe lời và gây ồn ào”.

 

Thấy tình hình như vậy, một số gia đình vay tiền gửi sang Nga để đưa con về. Bốn cô gái được gia đình gửi tiền sang nên đã về nước ngày 7/3. Riêng Trương Thị Hương tình cờ gặp được một người biết bố mình nên vay được tiền mua vé, còn Trần Thị Hợi phải nhờ đến Tòa án Nga làm thủ tục trục xuất (vì vợ chồng Phương không trả hộ chiếu). Đến ngày 20/3, cả hai cô mới về đến nhà.

 

Thách thức pháp luật

 

Theo ông Trương Tuấn, đã 4 lần ông gặp và nói chuyện khắc phục hậu quả với ông Dương Tiến Lực nhưng ông Lực đã chối bỏ trách nhiệm và còn thách thức sẵn sàng đi tù chứ không có tiền trả lại. Hiện các gia đình có con em bị lừa đã làm đơn gửi lên các cơ quan chức năng của xã và huyện Bố Trạch tố cáo hành vi của cha con ông Lực.

 

Theo Hoàng Hà

 Người lao động