Đưa dân lên núi cao để làm thủy điện!

(Dân trí) - Chưa tính hết các yếu tố sinh kế bền vững, quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều, xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, nguy cơ sạt lở cao... là những bất cập trong việc tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 2 quy hoạch thủy điện do Bộ Công thương phê duyệt, là: Quy hoạch thủy điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thủy điện nhỏ, gồm 22 dự án với tổng công suất 832 MW.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 22 dự án thủy điện.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch 22 dự án thủy điện.

Trong đó, trên sông Mã có 7 dự án, sông Chu 4 dự án, các sông suối khác 11 dự án. Đã có 13 dự án triển khai đầu tư, trong đó có 4 dự án phải bố trí di dân tái định cư (TĐC) tập trung; các dự án còn lại do số lượng di dân không nhiều, nên hộ dân tự di chuyển hoặc bố trí xen ghép. Các huyện bố trí TĐC, gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước.

Theo khảo sát của Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đến nay, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng đã thu hồi và bồi thường là 1.849,3 ha.

Tổng diện tích đất các khu TĐC là 75,5 ha; tổng số hộ phải di chuyển TĐC là 930 hộ (trong đó TĐC tập trung 432 hộ), chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Qua khảo sát của Ban Dân tộc, công tác quy hoạch các khu, điểm TĐC chưa tính hết các yếu tố sinh kế bền vững; quan tâm chưa nhiều đến phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều (chỗ cao, chỗ thấp), xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy cơ sạt lở cao như ở điểm TĐC Keo Đắm (Quan Hóa), bản Lìn, xã Trung Lý (Mường Lát).

Tiến độ xây dựng một số điểm TĐC quá chậm như thủy điện Hồi Xuân. Đã gần 10 năm, nhưng đến nay, chưa bàn giao được mặt bằng khu TĐC của bản Sa Lắng.

Một số công trình đầu tư không được khảo sát, thiết kế phù hợp, chất lượng thấp, như: Công trình nước sinh hoạt ở bản Nàng 1, xã Mường Lý; bản Keo Đắm, xã Trung Sơn; bản Co Pùng, xã Trung Sơn do ống kẽm nhỏ, hoen gỉ nên các hộ không có nước dùng.

Mặc dù ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số nhưng quy hoạch xây dựng nhà ở như nhà của dân cư đô thị, không phù hợp với phong tục, tập quán; đất đai cằn cỗi, độ dốc lớn; thiếu đất canh tác và nước tưới, nên việc tổ chức sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường rất khó khăn.

Dự án thủy điện Hồi Xuân gần 10 năm chưa bàn giao được mặt bằng TĐC.
Dự án thủy điện Hồi Xuân gần 10 năm chưa bàn giao được mặt bằng TĐC.

Không những thế, việc khảo sát, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của một số dự án thủy điện chưa chính xác, một số hộ dân nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dự án được duyệt, nhưng khi xây dựng công trình và tích nước vẫn bị ngập nước như ở thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung (Bá Thước).

Công tác kiểm kê, áp giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), lập, thẩm định và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC còn hạn chế. Cá biệt, có một số nơi còn để xảy ra sai sót trong quá trình kiểm đếm, đánh giá mức thiệt hại bồi thường như ở Mường Lát.

Chưa bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ mất đất sản xuất nông nghiệp theo quy định về bồi thường, hỗ trợ TĐC khi nhà nước thu hồi đất.

Việc chi trả tiền bồi thường GPMB và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ cho người dân còn chậm như dự án thủy điện Hồi Xuân (còn 167 hộ chưa nhận tiền bồi thường).

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách đền bù TĐC còn nhiều bất cập, mới chỉ tính đến thiệt hại trực tiếp, chưa tính đến thiệt hại gián tiếp cho các hộ bị ảnh hưởng. Hiện, trên địa bàn, thậm chí trong cùng một huyện, mỗi dự án di dân TĐC thực hiện một chế độ, chính sách đền bù, GPMB và hỗ trợ TĐC khác nhau, có sự thiếu công bằng, gây khó khăn cho việc thực hiện ở cơ sở...

Ban Dân tộc kiến nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các bộ, ngành trung ương rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống thủy điện bậc thang tỉnh Thanh Hóa để có cơ sở quyết định đầu tư, đảm bảo hiệu quả bền vững.

Đồng thời, thẩm định, đánh giá cụ thể các thông số kỹ thuật của 9 dự án đã được quy hoạch, nếu không đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững thì nên loại bỏ, không thực hiện đầu tư.

Có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều (chỗ cao, chỗ thấp), xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy cơ sạt lở cao.
Có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở trên đỉnh núi cao, mặt bằng không đều (chỗ cao, chỗ thấp), xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy cơ sạt lở cao.

Đặc biệt, cần quan tâm chỉ đạo việc tham vấn cộng đồng, đảm bảo công khai, dân chủ thực chất và lấy ý kiến phản biện khoa học về quy hoạch xây dựng công trình thủy điện trên sông Lò, sông Luồng và thủy điện Cẩm Thủy 2 trên sông Mã.

Cần ban hành thêm chính sách để hỗ trợ sản xuất và đời sống cho người dân TĐC, nên hỗ trợ kéo dài từ 3 - 5 năm đầu sau khi người dân TĐC đến nơi ở mới.

Xây dựng các phương án dạy nghề, chuyển đổi nghề cho phù hợp với vùng dân tộc, tạo việc làm lâu dài, ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quan tâm, xem xét nâng mức hỗ trợ bố trí di dân TĐC cho các hộ ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở cao, mất an toàn khi vào mùa mưa lũ...

Duy Tuyên