1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Bình:

Du Xuân đón Tết... lo rớt sông!

(Dân trí) - Những ngày Tết Nguyên đán, người dân xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, Quảng Bình hết sức lo lắng khi phải du Xuân trên chiếc cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù biết nguy hiểm luôn rình rập nhưng đây là con đường “độc đạo” tới trung tâm xã, trường học, trạm y tế…

Xã miền núi Hóa Thanh có 4 thôn, trong đó có 2 thôn Thanh Tân và Thanh Sơn bị chia cắt bởi con nước Khe Ve. Do đường sá đi lại khó khăn nên hơn 110 hộ dân với 447 nhân khẩu muốn đến trung tâm xã, trường học, trạm y tế… phải vượt qua khe nước này với đầy rẫy sự nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ, nước sông chảy xiết có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Năm 1997, Hóa Thanh được đầu tư xây dựng một chiếc cầu treo trị giá 70 triệu đồng. Cầu treo Hóa Thanh có chiều dài khoảng 50m, rộng 2m, được làm bằng sắt thép và gỗ táu, mặt cầu được lát bằng gỗ. Cầu có hai trụ hai bên và được treo bằng những sợi dây cáp chắc chắn. Cầu làm xong đã nối liền hai bờ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hàng trăm lượt người mỗi ngày.
 
Du Xuân đón Tết... lo rớt sông!

Hàng ngày có hàng trăm lượt người và phương tiên bất chấp sự nguy hiểm để qua lại cầu treo ở xã Hóa Thanh

Tuy nhiên, qua 15 năm sử dụng, chiếc cầu treo này đã bị xuống cấp nghiêm trọng và đã hết hạn sử dụng 3 năm nay. Hiện nay, gỗ trên mặt cầu và dầm đã bị mục nát, hệ thống cáp treo, trụ sắt đã bị hoen gỉ và rạn nứt làm cho cây cầu bị chùng xuống. Hàng rào trên cầu rất thưa và chỉ cách nhau khoảng 1,5m, cao khoảng 0,5 đến 0,7 m. Điều đáng nói là ở vị trí giữa cầu, hàng rào chắn rất thấp chỉ khoảng 0,5m. Cầu có độ cao khoảng 7m so với mặt nước. Phía dưới cầu là một vực nước sâu và đầy rẫy những tảng đá to rất sắc nhọn.

Khi có nhiều người và phương tiện cùng đi qua khiến cây cầu bị lắc rất mạnh. Người đi qua đây luôn cảm thấy thấp thỏm và sợ hãi vì sợ rơi xuống vực sâu, nhất là mỗi khi có hai xe máy đi ngược chiều và chở hàng hoá cồng kềnh. Nguy hiểm như vậy nhưng hàng trăm người dân thôn Thanh Tân và Thanh Sơn cùng phương tiện ngày ngày vẫn phải đi qua chiếc cầu “tử thần” này. Bởi đây là con đường duy nhất để họ lưu thông với bên ngoài.

Một người dân thôn Thanh Sơn lo lắng: “Nhà tôi và hàng trăm người dân khác ở bên kia khe nước nên hàng ngày phải đi qua chiếc cầu này. Biết là nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng buộc phải đi qua bởi đây là con đường duy nhất đến trung tâm xã. Nhưng điều mà chúng tôi lo lắng nhất là con em qua mình hàng ngày phải qua lại trên chiếc cầu này, sợ chẳng may xảy ra tai nạn. Cầu hư hỏng nặng rồi đi qua nguy hiểm lắm các chú ơi!”.
 
Trên mặt cầu treo Hóa Thanh đang xuất hiện nhiều lỗ hỏng như thế này
Trên mặt cầu treo Hóa Thanh đang xuất hiện nhiều lỗ hỏng như thế này

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoá Thanh cho biết, việc xây một chiếc cầu kiên cố, hoặc một chiếc cầu treo mới tốn rất nhiều kinh phí. Hiện chúng tôi đã đề xuất xin tu sửa lại cầu nhưng cấp trên không đồng ý vì cầu đã hết hạn sử dụng.

Trong khi đang chờ phướng án tu sửa, hàng trăm hộ dân xã Hóa Thanh mỗi ngày phải qua cầu trong sự lo âu, thấp thỏm trong những ngày Tết Nguyên đán này.

Lê Đăng Đức