1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dù “siết” điều kiện nhập khẩu, dân cư thành phố vẫn... “phình”

(Dân trí) - Bộ Công an tính toán, năm 2012, Hà Nội cấp tạm trú cho hơn 50.000 người. Nếu tăng thời hạn tạm trú từ 1 lên 2 năm, chỉ ½ số này được nhập khẩu. Đại biểu Quốc hội “chỉnh lại”, không được nhập khẩu nhưng số người đó vẫn ở trong thành phố.

Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận về dự án luật Cư trú sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tỏ ý tán thành với quan điểm “siết” điều kiện nhập cư vào các thành phố trực thuộc TƯ mà dự thảo Luật Cư trú đề ra. Bà Thúy phân tích, tình trạng di cư thời gian qua khiến cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng của các thành phố này về y tế, giáo dục, giao thông, điện nước, nhà ở, các dịch cụ công… đều quá tải. Việc này gây sức ép lớn đối với yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho những người mới đến cũng như quyền lợi của những người đã sinh sống ổn định tại thành phố.

Xác nhận quyền tự do đi lại, cư trú đã được hiến định của người dân nhưng đại biểu cũng cho rằng, thực hiện quyền này cũng phải theo quy định. Điều đó nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, vì nó đòi hỏi việc bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, phải gắn với các quyền khác nữa, như quyền học tập, quyền chăm sóc sức khỏe… Thực hiện quyền tự do của người này sẽ làm hạn chế, ảnh hưởng tới quyền của người khác.
 
“Siết” điều kiện, chỉ hạn chế thủ tục nhập khẩu, không hạn chế nhập cư
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn việc tại thành phố Đà Nẵng để nói rằng cần siết điều kiện nhập khẩu vào 5 thành phố trực thuộc TƯ.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng đồng tình với việc thắt điều kiện về đảm bảo diện tích nhà ở đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở là nhà cho thuê, mượn, ở nhờ. Quy định hiện hành, Hà Nội, TPHCM đã được áp dụng mức diện tích tối thiểu 5m2/người trong khi các thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ lại bị bỏ ngỏ. Điều đó làm dẫn đến tình trạng lách luật, “nhập hộ khẩu ảo” ở các địa phương này mà cơ quan chức năng không thể ngăn chặn được.

Ông Tính dẫn chứng chuyện thực tế, nhà ở của một hộ gia đình chỉ 20m2 nhưng lại đứng ra bảo lãnh để cho 25 người khác nhập khẩu.

Không phản đối quy định về điều kiện chỗ ở khi muốn nhập khẩu vào 5 thành phố lớn nhưng đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) lại “lắc đầu” ở điều kiện phải được người có thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho nhập hộ khẩu bằng văn bản.

“Quyền tự do cư trú được đảm bảo không cần phải sự ban phát đồng ý của bất kỳ ai, chỉ cần người đó có chỗ ở hợp pháp thì cơ quan, Nhà nước phải có nghĩa vụ đăng ký hộ khẩu cho họ” – bà Phương lập luận.

Trên thực tế, đại biểu cũng chỉ ra, việc người muốn nhập khẩu có được sự đồng ý bằng văn bản của người có nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ rất phức tạp, khó khăn vì ai cũng e ngại những tranh chấp pháp lý về nhà đất có thể xảy ra giữa chủ nhà với những người mới nhập vào. Bà Phương đề nghị bỏ quy định này để tránh làm khó cho người dân.

Một vấn đề khác gây tranh luận là quy định về điều kiện thời hạn tạm trú trước khi muốn nhập hộ khẩu.

Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) đánh giá quy định này là quá khắt khe và không hợp lý, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Đại biểu cho rằng quy định thời hạn tạm trú 1-2 năm trở lên mới được nhập khẩu là không cần thiết, làm khó người dân vì trường hợp người dân chưa tạm trú trong thành phố nhưng mua được nhà ở nội thành và muốn chuyển đến sống luôn thì ở ngay trong nhà mình vẫn phải “ở tạm”… 2 năm để chờ nhập khẩu?

Đại biểu cảnh báo, điều kiện này chỉ có thể có thể hạn chế nhập khẩu chứ không thể hạn chế nhập cư như mục tiêu của luật vì không thường trú được công dân sẽ chuyển sang tạm trú để chờ đợi.

Đồng ý với lập luận này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng nhận xét, lý giải của cơ quan soạn thảo về việc tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm mới được đăng ký thường trú là không thuyết phục.

Cụ thể, khi trình dự luật, Bộ Công an lập luận, năm năm 2012 Công an TP Hà Nội đã đăng ký tạm trú vào mới cho 51.326 trường hợp. Do đó, nếu giữ quy định thời gian tạm trú là 1 năm thì năm nay sẽ có 51.326 trường hợp được đăng ký thường trú vào các quận của Hà Nội. Như vậy trung bình mỗi năm sẽ có khoảng trên 50.000 trường hợp đăng ký thường trú ở Thủ đô, gây nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công không thể đáp ứng kịp dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được bảo đảm, việc quản lý trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn.

Nếu tăng thời gian tạm trú từ 1 lên 2 năm thì trung bình 2 năm mới có khoảng hơn 50.000 trường hợp đăng ký thường trú, nghĩa là sức ép về gia tăng dân số cơ học giảm đi một nửa.

Ông Tám gạt bỏ những con số này với phân tích, tăng thời hạn tạm trú thêm 1 năm, 50.000 người không đủ điều kiện được nhập khẩu nhưng họ vẫn hiện diện ở thành phố, chỉ là vẫn ở diện… tạm. Vì vậy, sức ép gia tăng cơ học không giảm trên thực tế mà chỉ giảm trên phương diện thống kê.

“Quốc hội chia sẻ khó khăn trong quản lý nhân khẩu nhưng phải có giải thích rõ ràng hơn, giải thích thế này chưa thể thuyết phục được” – ông Tám nói.

P.Thảo