Du khách Tây “lộng hành” trên đất Việt
Với lượng lớn người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, cư trú; bên cạnh những mặt tích cực còn kéo theo nhiều vấn nạn như các vụ án người nước ngoài giết người, đe dọa khủng bố, tàng trữ vận chuyển ma túy, lừa đảo, hoạt động xã hội đen, mại dâm,...
Với xu hướng Việt Nam ngày càng hội nhập toàn diện với khu vực và trên thế giới, thời gian qua, lượng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, nghiên cứu, học tập không ngừng tăng cao. Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, số liệu thống kê của Phòng Xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho thấy, 7 tháng đầu năm 2011, lượng khách đến Hà Nội là gần 560.000 lượt người.
Bên cạnh những mặt tích cực góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội, việc người nước ngoài nhập cảnh đòi hỏi phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế, kéo theo đó là một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Tình trạng vi phạm pháp luật của người nước ngoài thời gian gần đây có những biểu hiện gia tăng về số lượng, đa dạng về loại hình, với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau như giết người, đe dọa khủng bố, tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, lừa đảo, trộm cắp tài sản sử dụng công nghệ cao, hoạt động theo kiểu xã hội đen, tổ chức hoạt động mại dâm, lao động trái phép, cư trú quá hạn.
Theo đại diện Phòng Xuất nhập cảnh – Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội theo con đường du lịch để vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng như mượn du lịch để buôn bán trái phép, chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc; lợi dụng visa du lịch để làm công nhân xây dựng trong công trường; lợi dụng du lịch để chiếm dụng tài sản của công dân chủ yếu tập trung vào khách Trung Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ; Iran; Iraq… Môi giới kết hôn trái phép, chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc; lợi dụng du lịch vào Việt Nam để tuyên truyền tôn giáo trái phép, phát tán tài liệu trái thuần phong mỹ tục; hoạt động báo chí trái phép; lợi dụng du lịch để vào Việt Nam đánh bạc, lừa đảo…
Đầu tháng 5/2011 Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM đã bắt quả tang 5 đối tượng đều mang quốc tịch Philippines đang tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một du khách người Canada. Tại Cơ quan điều tra (CQĐT), nhóm người Philippines khai nhận nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường du lịch. Cứ 20 ngày bọn chúng lại xuất cảnh rồi nhập lại nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Ngay tại Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện một đối tượng người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để lừa đảo. Đó là Choi Mingkian (quốc tịch Malaysia) mang theo 13 thẻ tín dụng cùng một đối tượng khác (chưa xác định được tên tuổi, địa chỉ) đến siêu thị Pico Plaza (ở 28 Bà Triệu) mua hàng. Sau khi mua một máy tính xách tay trị giá 20 triệu đồng ở tầng 2, đối tượng xuống tầng 1 mua 4 điện thoại di động trị giá 60 triệu đồng. Khi thanh toán, nhân viên siêu thị nghi ngờ thẻ thanh toán giả nên đã gọi điện xác minh tại Ngân hàng Techcombank. Tại CQĐT, đối tượng khai nhận, một tổ chức xã hội đen ở Malaysia đã làm hộ chiếu và đưa thẻ tín dụng giả cho đối tượng để sang Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đó chỉ là những vi phạm bề nổi, mỗi năm trên cả nước số vụ phạm pháp do người nước ngoài gây ra ngày càng cao, thủ đoạn tinh vi hơn. Ngoài ra, tại các điểm du lịch ở Hà Nội, tình trạng khách du lịch người nước ngoài vi phạm luật cũng ngày càng gia tăng như vi phạm luật giao thông, đỗ xe không đúng nơi quy định, hò hét, đập phá, thậm chí đánh nhau khi va chạm giao thông với người Việt Nam…
Nhìn nhận từ thực tế, thời gian qua, một số sở, ban, ngành TP Hà Nội chưa thật sự quan tâm đầy đủ về công tác quản lý người nước ngoài, nhất là trong công tác phối hợp kiểm tra sau cấp phép; một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân làm dịch vụ visa nhưng buông lỏng không quản lý khách; việc quản lý khai báo tạm trú của người nước ngoài còn bất cập, chưa thống nhất, kịp thời, đặc biệt tại các vùng địa giới hành chính mới được mở rộng. Chính vì thế tình hình vi phạm pháp luật của người nước ngoài ngày càng gia tăng.
Cần xử lý bằng chế tài đủ mạnh…
Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đối với người nước ngoài cư trú, lưu trú, hoạt động và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh của người nước ngoài trên địa bàn cả nước trong tình hình mới, Thông tư số 44/2011/TT- BCA có hiệu lực từ ngày 14/8/2011 nêu rõ, giấy phép tham quan du lịch Việt Nam cho người nước ngoài quá cảnh có thời hạn phù hợp với thời gian quá cảnh và chương trình tham quan du lịch nhưng không quá 15 ngày. Khách quá cảnh được cấp giấy phép có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời thực hiện đúng chương trình du lịch mà doanh nghiệp đã đăng ký với Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Riêng tại Hà Nội, trong Công văn số 34/CT-UBND của UNBD TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý người nước ngoài trên địa bàn thành phố trong tình hình mới đã nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mời và làm việc với người nước ngoài phải chấp hành nghiêm túc Nghị định 21/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Để giải quyết tình trạng lộn xộn do du khách là người nước ngoài gây ra, đại diện của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP Hà Nội cho rằng, nên thành lập các đội Cảnh sát du lịch (CSDL) tại Hà Nội nhưng phải có chế tài xử phạt kèm theo. Bởi theo đại diện này lý giải, CSDL sẽ đảm bảo môi trường du lịch thủ đô lành mạnh, không còn trường hợp chèo kéo, trộm cắp của du khách, hay hướng dẫn viên nước ngoài cũng như khách nước ngoài phạm pháp khi đến Việt Nam và Hà Nội du lịch. Thực tế, thị trường du lịch ở các nước trên thế giới như Thái Lan, Myanmar… từ lâu đã có CSDL. Trước đây CSDL đã được thí điểm tại TPHCM nhưng hiệu quả chưa cao.
Ở góc độ quản lý trên địa bàn phường, Trung tá Nguyễn Văn Huệ, Phó trưởng Công an phường Điện Biên Phủ cho biết, địa bàn phường có nhiều di tích lịch sử như Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hoàng Thành Thăng Long… nên tập trung rất đông người nước ngoài. Tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam vẫn diễn ra nhưng chủ yếu là lỗi vi phạm luật giao thông.
Để giảm tải những vi phạm như thế, khi khách du lịch vào cửa khẩu nên tuyên truyền cho họ hiểu pháp luật Việt Nam, có quy định rõ ràng về chế tài xử phạt; khi đối tượng vi phạm là người nước ngoài nên xử lý như đối với công dân Việt Nam. Đại diện Công an phường Hàng Buồm cho biết, du khách nước ngoài thường xuyên phạm lỗi như đỗ xe dưới lòng đường, thuê và tự lái xe máy, ôtô không có bằng lái xe. Về đêm một số khách du lịch tập trung ở những quán ven đường la ó, hét hò, thậm chí đánh nhau, gây mất trật tự đô thị. Tuy nhiên, xử lý họ gặp rất nhiều khó khăn, một phần do bất đồng ngôn ngữ, mặt khác chế tài xử lý với người nước ngoài hiện nay còn quá nhẹ, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở là chính.
Để hạn chế những lộn xộn do khách du lịch gây ra, ngành Du lịch Việt Nam nên phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí, bởi nếu không làm tốt du khách sẽ tiếp tục một đi không trở lại đó là một điều đáng tiếc do du khách không thiết tha với kiểu nhàm chán của các dịch vụ du lịch như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần chấn chỉnh đạo đức kinh doanh trong dịch vụ du lịch, điều quan trọng là cần tuyên truyền các chính sách liên quan đến pháp luật Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng để khách quốc tế hiểu và chấp hành.
Theo Hải Ninh
Năng lượng mới