1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ninh:

Du khách "ngại" hang Sửng Sốt sau vụ 5 người tử nạn trên vịnh

(Dân trí) - Sau vụ chìm tàu kinh hoàng tại khu vực hang Sửng Sốt trên Vịnh Hạ Long khiến 5 du khách nước ngoài thiệt mạng, lượng du khách tới tham quan vịnh vẫn khá đông nhưng hầu hết đều không giấu được lo lắng và tỏ ra "ngại" hang Sửng Sốt.

Có mặt tại Cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy sáng 5/10, PV Dân trí ghi nhận được không khí sôi động tại đây với nhiều đoàn xe chở khách du lịch trong và ngoài nước tấp nập đổ về. Tại khu cổng xếp hàng xuống tàu, từng đoàn du khách vẫn phải đợi thành hàng dài chờ đến lượt.

Tuy nhiên, diễn tiến toàn bộ vụ chìm tàu xảy ra vào chiều 3/10 trước cửa hang Sửng Sốt cũng được nhiều du khách cập nhật khá chi tiết. Hầu hết đều bày tỏ mối lo lắng cho vấn đề an toàn khi đi tàu tham quan trên vịnh.

Du khách vẫn đổ về tham quan Vịnh Hạ Long khá nhộn nhịp.
Du khách vẫn đổ về tham quan Vịnh Hạ Long khá nhộn nhịp.
 
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Đào Đình Phủ - du khách từ Hà Nội - cho biết: “Vụ tai nạn khiến 5 du khách thiệt mạng thực sự kinh khủng. Trước đó tôi đã rất hào hứng với chuyến đi tham quan Vịnh Hạ Long. Sau khi nghe vụ tai nạn, tôi đã định chuyển lịch trình nhưng do Vịnh Hạ Long là nơi có phong cảnh quá lý tưởng nên cuối cùng tôi vẫn quyết định thực hiện chuyến đi. Có điều chắc chắn khi ngồi trên tender (tàu du lịch - PV) tôi sẽ mặc áo phao. Chỉ tiếc một điều là đi du lịch mà tâm trạng luôn nơm nớp lo sợ thì cũng không thoải mái lắm”. 

Cùng chung tâm trạng, chị Maria (30 tuổi, du khách Pháp) cho biết: “Tham quan Vịnh Hạ Long nằm trong tour đến Việt Nam của tôi. Hôm trước tôi có nghe thông tin về vụ tai nạn thương tâm trên vịnh, tôi thực sự rất lo lắng. Nhưng vì lịch trình đã đặt nên tôi vẫn sẽ tham quan vịnh”.

Mặc dù lượng du khách đổ về tham quan Vịnh Hạ Long vẫn đông sau vụ chìm tàu, tuy nhiên nhiều khu khách đã không lựa chọn các tuyến qua hang Sửng Sốt. “Thực ra, nếu tai nạn xảy ra thì không ai có thể biết trước ở vị trí nào. Tuy nhiên tôi vẫn tránh hang Sửng Sốt và khu đảo Titop vì đây là 2 nơi từng diễn ra 2 vụ chìm tàu, dù rằng đây đều những nơi đẹp nhất vịnh Hạ Long” - anh Huỳnh Ngọc Huệ, du khách Bắc Giang, chia sẻ.

Nhiều du khách bày tỏ nỗi lo lắng khi đi tàu ra thăm vịnh và quyết định bỏ qua hang Sửng Sốt.
Nhiều du khách bày tỏ nỗi lo lắng khi đi tàu ra thăm vịnh và quyết định bỏ qua hang Sửng Sốt.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hà Hồng Chương - Cảng phó Cảng tàu du lịch Bãi Cháy (Quảng Ninh) - cho biết: “Sau vụ tai nạn xảy ra chiều ngày 3/10, lượng du khách đến tham quan Vịnh Hạ Long vẫn ổn định. Trung bình mỗi ngày có từ 4.000 đến 5.000 du khách, trong đó 70% là du khách quốc tế”.

Ông Chương cho biết thêm, tàu Đông Phong 02, tàu liên quan đến vụ tai nạn với tender khiến 5 du khách thiệt mạng, hoạt động tại khu Cảng tàu Bãi Cháy khoảng 7, 8 năm nay. Ngày xảy ra vụ tai nạn, tàu Đông Phong xuất bến với 46 du khách so với trọng tải 48 du khách. Ông Chương cũng khẳng định, tất cả các tàu tham gia vận chuyển du khách hoạt động tại Cảng tàu du lịch Bãi Cháy đều được kiểm tra và đảm bảo an toàn.

Trước băn khoăn của dư luận về vấn đề trách nhiệm của Ban quản lý Vịnh Hạ Long trong vụ chìm tàu, ông Đỗ Đức Thắng - Phó trưởng Ban quản lý Vịnh Hạ Long - cho biết: “Các hoạt động trên vịnh nhằm mục đích khai thác thuộc trách nhiệm của nhiều ngành chức năng. Ban quản lý Vịnh Hạ Long có nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn Vịnh Hạ Long thật tốt để đáp ứng mục tiêu khai thác của các ngành, các doanh nghiệp. Về các hoạt động trên Vịnh, nhiệm vụ của Ban quản lý chủ yếu chỉ là phối hợp với các ngành thôi. Ngay việc điều hành tại các bến trước cửa hang động, Cảng vụ Quảng Ninh đã có một lực lượng điều hành tại đó.  

Các tender chở khách tại Vịnh Hạ Long.
Các tender chở khách tại Vịnh Hạ Long.

Việc chìm tàu diễn ra ở trước cửa mặt nước tàu bè ra vào hang Sửng Sốt. Tàu bè ra vào khu vực này, trách nhiệm và thẩm quyền thuộc về Cảng vụ Quảng Ninh. Và việc quản lý con tàu ấy lại là trách nhiệm của rất nhiều ngành chức năng như Sở Giao thông vận tải, cảnh sát đường thủy; con người và chất lượng con tàu thuộc về trách nhiệm ngành văn hóa - thể thao - du lịch...”.
 
Ngày 5/10, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định hỗ trợ các nạn nhân vụ chìm tàu trên Vịnh Hạ Long vào chiều 3/10. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng 20 triệu đồng, mỗi du khách bị thương trong vụ chìm tàu 10 triệu đồng. Cùng đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí hỏa táng thi thể các nạn nhân nếu gia đình các nạn nhân có yêu cầu thực hiện hỏa táng tại chỗ.
Công ty du lịch Tuần Châu, đơn vị chủ quản của tàu Paraside QN 6688 chở du khách trong vụ tai nạn hỗ trợ trước mắt gia đình mỗi nạn nhân thiệt mạng 200 triệu đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có buổi làm việc chính thức với gia đình các nạn nhân để thống nhất các thủ tục đưa nạn nhân tử nạn về nước và an táng theo đúng phong tục và quy định pháp luật.

Anh Thế - Quốc Đô