Du khách đua nhau xoa tiền lên chùa đồng Yên Tử để cầu may
(Dân trí) - Sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ khai hội Xuân Yên Tử đã được tổ chức vào ngày 31/1 (tức ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch), đón hàng nghìn du khách trẩy hội và chiêm bái.
Sáng ngày 31/1 (mùng 10 tháng Giêng âm lịch), lễ khai hội Xuân Yên Tử đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Theo Ban tổ chức lễ hội, sau phần lễ khai hội, nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc mang không khí xuân mới như: Đêm hội hoa đăng cầu nguyện Quốc thái dân an; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; văn hóa Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Đặc biệt, năm nay du khách được tham gia các hoạt động tâm linh ban đêm như lễ cầu an, lễ chúc phúc…, kết hợp với một số tổ chức hình thành các chương trình về nguồn nhiều ý nghĩa.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào trưa ngày 31/1, hàng nghìn người dân và du khách hành hương lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử chiêm bái, lễ Phật cầu may.
Nhiều người dân từ trẻ tới già xoa tiền giấy lên thành vách chùa Đồng với hy vọng năm mới gặp may mắn, thuận buồm xuôi gió.
Một số người còn đút tiền lên các khe hở ở mái chùa và chắp tay cầu nguyện.
Thời tiết trên đỉnh thiêng Yên Tử vào buổi trưa ngày 31/1 có nắng ấm, nhiệt độ dao động từ 15 - 20 độ C, khá thuận lợi cho du khách thập phương tới chiêm bái, vãn cảnh chùa.
Chia sẻ với phóng viên, bà Bình , du khách ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết: "Mặc dù có cáp treo nhưng quãng đường đi bộ để lên tới chùa Đồng tương đối dài và cheo leo, với những bậc đá gập ghềnh, khá nguy hiểm. May mắn là năm nay tôi đã leo được lên tới đỉnh để cầu quốc thái dân an, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc".
Theo TP Uông Bí, khởi động mùa hội năm nay, chỉ trong 6 ngày Tết, Khu di tích Yên Tử đã đón số lượng khách du xuân, lễ Phật với gần 80.000 lượt khách, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực báo hiệu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, khẳng định Uông Bí tiếp tục là trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Ninh đồng thời góp phần xây dựng Uông Bí thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước.