1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dự án xây xong phải xin phép sử dụng!

(Dân trí) - Theo dự Luật Xây dựng sửa đổi, các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm cả những dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, công trình còn phải được cấp phép sử dụng nhằm đảm bảo an toàn.

Dự án đầu tư bằng ngân sách phải giao cho đơn vị có chuyên môn

Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi hiện đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Luật Xây dựng (có hiệu lực từ 1/7/2004) sau gần 9 năm triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kể cả trong nước và nước ngoài hoạt động đầu tư xây dựng tại Việt Nam; đồng thời công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng đã được tăng cường.

Tuy nhiên, thực tế công tác lập và quản lý quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng cũng còn nhiều bất cập. Nhiều dự án đầu tư xây dựng thực hiện không theo tiến độ, chất lượng không đảm bảo, lỡ cơ hội đầu tư.

Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm của các chủ thể chưa rõ ràng, chưa có các chế tài đủ mạnh, nên tình trạng vi phạm xây dựng vẫn còn diễn ra. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại này là hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, thống nhất.
 
Dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng phải xin cấp phép xây dựng (ảnh minh họa)
Dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cũng phải xin cấp phép xây dựng (ảnh minh họa)
 
Do đó, dự Luật Xây dựng đã đề cập hàng loạt các vấn đề cần bổ sung, sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại trên. Theo đó, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vì nhiều cơ quan, tổ chức thụ hưởng dự án (đơn vị quản lý, sử dụng) không có chuyên môn để triển khai thực hiện dự án dẫn đến kéo dài tiến độ, chất lượng không đảm bảo, chi phí tăng...., nên cần phải giao cho các cơ quan, tổ chức cho chuyên môn và kinh nghiệm để quản lý, triển khai thực hiện có sự tham gia của đơn vị quản lý sử dụng. Dự án hoàn thành sẽ được giao cho đơn vị quản lý, sử dụng tiếp nhận để khai thác, sử dụng.
 
Mặt khác, thời gian qua, do sự biến động bất thường về giá cả, do nhà nước thay đổi các chính sách về lương,... trong khi lại chưa có quy định về điều chỉnh dự án nên nhiều dự án bị đình trệ, nợ đọng trong đầu tư xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến đầu tư xây dựng. Mặt khác công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ kéo dài hơn so với kế hoạch, cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí.

Do vậy, cần phải có quy định về điều chỉnh dự án khi chỉ số giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trong quá trình thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư của dự án đã được người quyết định đầu tư phê duyệt.

Dự án được phê duyệt cũng phải xin cấp phép xây dựng

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự luật bổ sung sửa đổi lần này đó là vấn đề cấp giấy phép xây dựng. Để thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng và bình đẳng giữa các dự án sử dụng các nguồn vốn, dự thảo quy định tất cả các công trình đều phải xin cấp giấy phép xây dựng bao gồm cả các công trình thuộc dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mà theo Luật Xây dựng hiện hành những công trình này thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thể triển khai xây dựng công trình sớm, khi chưa hoàn thiện thiết kế, dự thảo bổ sung thêm 2 trường hợp được cấp giấy phép xây dựng. Đó là đối với công trình quy mô lớn được cấp giấy phép theo giai đoạn, có nghĩa không bắt buộc phải thiết kế xong toàn bộ công trình mới được xin cấp giấy phép xây dựng, mà có thể xong từng phần để xin cấp giấy phép xây dựng.

Trường hợp thứ 2 là cấp giấy phép xây cho dự án, có nghĩa là nếu các công trình thuộc dự án đã đủ điều kiện thì chủ đầu tư có thể đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho một số hoặc tất cả các công trình của dự án.

Một điểm mới nữa trong dự thảo là để đưa công trình đưa vào sử dụng đảm bảo an toàn theo đúng mục đích sử dụng theo quy hoạch xây dựng, thiết kế và giấy xây dựng đã cấp cũng như tuân thủ các quy định có liên quan thì công trình phải được cơ quan quản lý nhà nước có liên quan xem xét về chất lượng công trình, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện,… để chấp thuận cấp giấy phép sử dụng công trình. Theo Bộ Xây dựng, quy định này là thông lệ quốc tế mà hầu hết các nước đều có quy định.

Ngoài ra, dự Luật còn quy định chi tiết về trình tự đầu tư xây dựng và yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng, về thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng, về điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, và về lựa chọn nhà thầu và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Trong đó, tiêu chí đánh giá là chọn được nhà thầu có giá dự thầu hợp lý chứ không phải có giá đánh giá thấp nhất như quy định của Luật Đấu thầu.  

Lan Hương