Dự án thủy lợi 90 tỷ "độn thổ": Dân nghèo phải bỏ trăm triệu hạ thấp ruộng!
(Dân trí) - Kênh dẫn nước nằm sâu dưới đất, có nơi sâu 3m khiến việc dẫn nước vào ruộng là bất khả thi. Nhiều hộ dân phải bỏ cả trăm triệu đồng hạ nền ruộng với hy vọng làm được ruộng trước nguy cơ thiếu đói.
Bỏ hoang ruộng vì không thể lấy nước
Như Dân trí đã phản ánh, dự án thủy lợi Suối Đá tại xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) được đầu tư 90 tỷ đồng nhằm phục vụ tưới tiêu cho khoảng 1.000 ha đất sản xuất của người dân tại một trong những xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, do hàng loạt bất cập trong quá trình thiết kế, thi công nên dù chưa hoàn thành, dự án đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất tại địa phương này.
Theo đó, bất cập là tình trạng kênh dẫn nước nằm sâu dưới mặt ruộng, có nơi sâu từ 3 m đến gần 10 m, khiến nhiều hộ dân không thể trực tiếp lấy nước từ dự án. Hàng loạt diện tích lúa nước, cây công nghiệp trên địa bàn đối diện nguy cơ thiếu nước tưới, thậm chí một số hộ dân không thể sản xuất lúa nước do mặt ruộng cao hơn kênh dẫn.
Anh Lầu Văn Dê (trú tại thôn 12, xã Quảng Hòa) cho biết, mỗi năm gia đình chỉ sản xuất một vụ lúa. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, do gần 2 sào ruộng không thể lấy nước, gia đình liên tục phải mua gạo, ngô về ăn.
Sau Tết Nguyên đán cũng là thời điểm gieo trồng nhưng vì ruộng lúa không thể lấy nước, gia đình anh Dê phải thuê máy múc để hạ nền ruộng với hy vọng có thể lấy nước từ kênh dẫn, tái sản xuất. Tổng số tiền anh Dê bỏ ra đến thời điểm này đã gần 30 triệu đồng.
"Chúng tôi đã làm lúa nhiều năm nay, nhưng từ ngày có kênh dẫn nước mới, chúng tôi không thể sản xuất bình thường. Năm ngoái chi phí mua dầu để chạy máy bơm nước vào ruộng quá tốn kém nên năm nay chúng tôi quyết định hạ ruộng xuống, cho bằng với mặt kênh. Với 8 sào lúa (gồm cả ruộng của bố mẹ và anh trai), chi phí thuê máy múc đã gần 100 triệu đồng", anh Dê cho hay.
Trước tình trạng thiếu nước, nhiều hộ dân phải đầu tư số tiền lớn để sản xuất, ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, phần lớn các hộ dân tại thôn 12 (nơi có kênh thủy lợi chạy qua) đều là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn và kinh tế phụ thuộc vào việc sản xuất lúa. Tuy nhiên, trong gần 2 năm nay, việc thi công công trình đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân và an ninh lương thực của địa phương.
"Tới thời điểm này, người dân vẫn chỉ sản xuất được một vụ lúa/năm. Nhiều diện tích do không lấy đủ nước nên 2 năm nay không thể sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu đói cục bộ tại một số hộ dân", ông Thuộc cho biết thêm.
Thanh tra kết luận có sai phạm
Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa có kết luận thanh tra dự án Thủy lợi Suối Đá. Theo kết luận này, năm 2017, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Anh Khoa Nghệ An (Công ty Anh Khoa) đã thực hiện khảo sát 62 hố địa chất. Tuy nhiên, trong quá trình thi công thì hiện trạng thực tế không đúng như trên hồ sơ khảo sát. Do đó, nhà thầu đã không thi công được theo thiết kế, phải khảo sát bổ sung lại (lập thiết kế điều chỉnh).
Đáng lưu ý, mặc dù tuyến kênh chính đi qua vị trí có ao, hồ hiện hữu nhưng Công ty Anh Khoa Nghệ An không xem xét lại các kết quả khảo sát, đánh giá trước các rủi ro có thể xảy ra khi thi công thực tế hoặc khoan khảo sát địa chất ngay tại vị trí đi qua ao, hồ.
Cũng theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế còn chủ quan, chưa xem xét hết nhiệm vụ khảo sát.
Trong hồ sơ nhiệm vụ khảo sát, bước lập thiết kế bản vẽ thi công chỉ xác định khoan khảo sát địa chất 9 hố tại khu vực tràn dâng. Xác định không khoan khảo sát địa chất tại các tuyến kênh mà sử dụng kết quả khảo sát địa chất bước thiết kế cơ sở kém chất lượng, có vi phạm của Công ty Anh Khoa để làm căn cứ lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các tuyến kênh.
Những sai phạm nêu trên đã dẫn đến hậu quả là phương án thiết kế một số đoạn tuyến kênh khu tưới tràn dâng không phù hợp thực tế địa chất công trình. Do đó, khi thi công xây dựng công trình theo thiết kế bản vẽ thiết kế buộc phải điều chỉnh dự án đầu tư 2 lần, điều chỉnh thiết kế 3 lần.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã thực hiện biện pháp thi công thiếu tính hệ thống, đồng bộ, nên phải thay đổi phương án thiết kế. Điều này khiến cho công trình phải gia hạn tiến độ nhiều lần, kéo dài thời gian thi công tăng thêm hơn 2 năm. Công trình đến nay vẫn chưa hẹn ngày "lộ thiên".
Trước đó, Dân trí đã thông tin, công trình thủy lợi Suối Đá có tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và được xếp vào nhóm dự án cấp bách và thực hiện không quá 5 năm từ năm 2016 đến 2020.
Tháng 6/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã khảo sát công trình và đánh giá, hầu hết các tuyến kênh dẫn nước được thiết kế hộp kín dưới đất. Nhiều đoạn nằm sâu dưới đất 3m so với mặt ruộng, cá biệt có chỗ nằm sâu dưới đất... 9m. Việc này sẽ gây khó khăn, tốn kém khi quản lý, sửa chữa, khắc phục nếu xảy ra sự cố.