Dự án thủy điện Tuyên Quang bỏ sót 5.000 dân phải di dời

Trong quá trình khảo sát, lập quy hoạch di dân tái định cư, chủ đầu tư Dự án thủy điện Tuyên Quang - Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) - đã bỏ sót hơn 5.000 nhân khẩu nằm trong diện phải di dời, đội mức tiền đền bù thêm 1.000 tỉ đồng.

Dự án thủy điện Tuyên Quang được phê duyệt đầu tư từ tháng 4/2002 và dự kiến đầu năm 2007 sẽ phát điện tổ máy số 1.  

 

Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thủy điện Tuyên Quang được EVN lập trong giai đoạn 2000-2001. Tại thời điểm phê duyệt đầu tư dự án, tổng số dân phải di dời và tái định cư là 17.350, dự báo đến năm 2005 là 18.400 người, tập trung tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn. Chính phủ đã cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách cho công tác bồi thường di dân và tái định cư.

 

Tuy nhiên, sau khi cắm mốc giải phóng lòng hồ và điều tra chi tiết, EVN và 3 tỉnh trên mới phát hiện đã bỏ sót 10 thôn bản. Thực chất, tổng số dân phải di dời lên đến 23.600. Việc tăng hơn 5.000 dân trong diện di dời đã làm tăng tổng mức đầu tư phần đền bù di dân tái định cư thêm 1.000 tỷ đồng so với báo cáo nghiên cứu khả thi. Mặt khác, theo tiêu chuẩn về công trình trọng điểm quốc gia, với số dân di dời vượt 20.000 thì dự án phải được trình Quốc hội xem xét.

 

Hôm nay, cho ý kiến về vấn đề này, đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đã cho rằng chủ đầu tư và các tỉnh đã chủ quan, thiếu sự phối hợp trong điều tra dân số. Khi phát hiện số dân vượt ngưỡng 20.000 lại không kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hệ quả là đến nay quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Hiện, Tuyên Quang còn hơn 900 hộ dân, Hà Giang trên 240 hộ và Bắc Kạn còn 58 hộ vẫn chưa di dời.

 

Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường đề nghị Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến vấn đề này. Để kịp tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào đầu năm 2007, Ủy ban Khoa học đề nghị báo cáo vấn đề di dân ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 10, đồng thời xem xét bổ sung ngân sách năm 2007 cho công tác này. Quốc hội sẽ không xét lại quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đề nghị này được đa số ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí.

 

Chiều nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện nghị quyết 16 của Quốc hội về giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện và 5 năm thi hành Luật phòng chống ma túy.

 

Theo Hồng Khánh

Vnexpress