Thừa Thiên Huế:
Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ biến thành nơi... thả trâu
(Dân trí) - Mục sở thị toàn bộ khu nhà điều hành, sảnh trước và nhà xe, hàng chục con trâu được người dân địa phương thả ở các lối đi, phòng làm việc...
Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận cho Công ty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long vào tháng 1/2008, thay đổi lần thứ nhất vào tháng 5/2010, với số vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng.
Theo đó, dự án nhà máy này có công suất thiết kế 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1.800.000 tấn xi măng/năm), có ý nghĩa trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, người dân huyện vùng cao Nam Đông và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đầu tháng 3/2009, Công ty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy, cam kết hoàn thành dự án và cho ra sản phẩm xi măng Nam Đông đầu tiên sau 26 tháng kể từ ngày khởi công.
Sau hơn một năm thi công, dự án tốn khoảng 163,5 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, khoan thăm dò mỏ đá, mỏ phụ gia, xây dựng nhà điều hành... Đến tháng 10/2010, dự án ngừng thi công do thiếu vốn.
Chủ đầu tư đã xin UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gia hạn tiến độ và dự kiến đưa dự án vào hoạt động quý I năm 2016. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thấy bất cứ hoạt động gì.
Trụ sở nhà máy xi măng Nam Đông hiện tại không khác gì một trại nuôi trâu. Mục sở thị toàn bộ khu nhà điều hành, sảnh trước và nhà xe, hàng chục con trâu được người dân địa phương thả ở các lối đi, phòng làm việc.
Trong khu nhà còn có nhiều cỏ, rơm được tập kết trong các phòng ốc, lối đi để cho trâu ăn. Rất nhiều nơi tại nhà máy xi măng này ngập trong phân trâu hôi thối, bẩn thỉu. Bên cạnh đó, khuôn viên còn được người dân tận dụng làm chỗ phơi phân để đóng bao phân chuồng đi bán.
Do hơn chục năm nay nhà máy bị bỏ hoang nên rất nhiều hạng mục tại khu nhà điều hành chính bị hỏng. Các tấm chắn kính ở cửa sổ, cửa lớn bị vỡ toang, thậm chí không còn tấm cửa, chỉ còn khung ngoại…
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Hồng Lam - Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng - cho biết, dự án do "án binh bất động" kéo dài nên một phần diện tích đất trong tổng số hơn 40 ha mặt bằng thu hồi xây dựng nhà máy xi măng đã được người dân tận dụng canh tác, trồng cây ngắn ngày, khi dự án làm lại thì người dân sẽ giao lại đất cho chủ đầu tư.
"Nếu dự án không tiếp tục triển khai thì địa phương chúng tôi sẽ đề xuất huyện, tỉnh biến nơi đây thành khu du lịch sinh thái để đỡ phí đất" - ông Lam cho biết thêm.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị này đang phối hợp với các Sở, ngành chức năng rà soát để đưa ra các phương án xử lý phù hợp với dự án nhà máy xi măng Nam Đông trong thời gian tới.