Thanh Hoá:
Dự án nghìn tỷ bỏ hoang, dân vừa mất đất vừa thất nghiệp
(Dân trí) - Khi dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được triển khai với cả nghìn tỷ đồng, người dân đã tự nguyện hiến đất và động viên con em đi học để mong thoát nghèo. Thế nhưng giấc mơ ấy chưa thành hiện thực khi 5 năm trôi qua, dự án vẫn “đắp chiếu”.
Hoang tàn “siêu dự án nghìn tỷ”
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn, xã Thuý Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa được khởi công xây dựng vào tháng 12/2007, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, công suất 2.500 tấn clinker/ngày, do Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long (Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 36 ha.
Để nhường chỗ cho dự án, 200 hộ dân của xã Thuý Sơn đã phải nhường lại 36 ha đất 2 lúa màu mỡ, ngoài ra 37 hộ dân phải di dời hoàn toàn nhà cửa đi nơi khác. Thấy được ý nghĩa của dự án, người dân nơi đây đã đồng tình ủng hộ và nhanh chóng di dời để bàn giao mặt bằng “sạch” cho “siêu dự án” nghìn tỷ này.
Thất nghiệp tràn lan
Trong cái xã vùng cao Thuý Sơn này, người vui nhất và cũng chua xót nhất có lẽ là ông Đỗ Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuý Sơn, bởi khi dự án đến nhà, ông đã mất tới 1,3 ha đất. Nhưng đổi lại nhà ông lại có tới 3 người con được công ty chấp nhận cho đi đào tạo để làm công nhân cho nhà máy.
Lúc đó nhiều người xì xào, có người con ghen tỵ bởi ông có tới 3 người sau này sẽ được làm trong nhà máy, hưởng lương cao ngất. Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, mất đứt gần 100 triệu đồng cho 3 con đi học, đổi lại là nỗi thất vọng ê chề, dự án “chết yểu”, các con ông cũng thất nghiệp theo, gia đình đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.
Không chỉ có hộ gia đình nhà ông Tám, mà còn rất nhiều hộ gia đình ở cái xã nghèo Thuý Sơn này lâm vào cảnh khốn cùng, để có tiền cho con ăn học, nhiều người còn thế chấp cả sổ đỏ, đi vay mượn khắp nơi để lấy tiền đầu tư cho con em họ đi học nghề. Nhiều người sau khi học nghề còn không dám đi đâu xa, sợ dự án bất ngờ hoạt động lại, nên lại cố chờ. Thành thử đã nghèo khó, lại rơi vào vòng luẩn quẩn, bần cùng.
“Siêu dự án” được hình thành, có một kế hoạch rất quan trọng được “vẽ” ra đó là đưa con em thuộc diện ảnh hưởng của dự án và ưu tiên người địa phương vào làm việc trong nhà máy. Hàng trăm con em địa phương, mà cụ thể là trên 300 người, học xong phổ thông chưa có việc làm, trong đó có nhiều người đang làm các công việc khác, thậm chí có người đang làm cán bộ… cũng đã đi theo tiếng gọi của dự án lớn, với ước mơ sớm được đổi đời.
Để hoàn thành lớp đào tạo do công ty đưa đi, mỗi người phải bỏ ra ít nhất là 30 - 40 triệu đồng, cho hơn 1 năm ăn học. Học xong 1 năm, 2 năm rồi đến 5 năm trôi qua vẫn không thấy nhà máy đâu, số tiền bỏ ra ăn học đa phần đều vay mượn khắp nơi, giờ đây thành món nợ cho những người dân nghèo nơi đây. Đau đớn hơn là có một số người từ có việc làm ổn định thành thất nghiệp, rồi sống vật vờ với đủ nghề khác nhau để chờ và vẫn hi vọng ở cái dự án nghìn tỷ này, dù vẫn biết đó là sự chờ đợi trong vô vọng.
Cho đến nay, có thể thấy giấc mơ thoát nghèo của người dân từ dự án nghìn tỷ đã vỡ mộng, thế nhưng đau lòng hơn hết là hệ lụi từ “siêu dự án” vẫn còn đeo bám, bao nhiêu người từ bỏ nghề giáo viên, nhân viên bưu điện… để đi làm thuê, làm mướn, phụ hồ. Bao nhiêu gia đình nợ nần chồng chất vẫn chưa thể trả nợ còn dự án bỏ ra hàng đống tiền thì nằm ngồn ngang hoang phế phơi mưa, phơi nắng.
Về vấn đề này, lãnh đạo huyện Ngọc Lặc cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư tìm phương án giải quyết thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, chỉ có người dân là chịu thiệt, vừa mất đất lại vừa thất nghiệp.
Nguyễn Thùy