Dự án "giải cứu" 32 hộ dân sống bên sườn núi nguy cơ sạt lở
(Dân trí) - Dự án trồng cây tạo mảng xanh kết hợp di dời 32 hộ dân sinh sống trong khu vực nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở tại chân núi Phú Gia (Thừa Thiên Huế), có tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng.
HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án trồng cây tạo mảng xanh tại chân núi Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc).
Dự án có diện tích gần 3ha, với tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm; góp phần hoàn thiện cảnh quan Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp quy hoạch chung, kết hợp di dời 32 hộ dân đang sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở ven chân núi Phú Gia đến nơi ở mới ổn định.
Trước đó, báo Dân trí đã phản ánh về nguy cơ sạt lở cao tại khu vực chân núi Phú Gia, nơi có 32 hộ dân sinh sống. Từ năm 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện vết gãy, nứt dài khoảng 200m trên núi này.
Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 6 và 7 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phát hiện vết nứt dài khoảng 50m ở độ cao 20m trên núi Phú Gia, cùng với một điểm sạt lở có nguy cơ đe dọa tính mạng và tài sản của các hộ dân sống dưới chân núi.
Theo người dân thôn Phú Gia, thời gian qua đã có nhiều vụ sạt lở xảy ra, đất đá từ sườn núi tràn xuống trôi vào nhà cửa, ruộng vườn, làm hư hại tài sản của dân. Mỗi khi xảy ra mưa bão, bà con đều phải sơ tán khẩn cấp đến các địa điểm an toàn để đảm bảo tính mạng.
Người dân sống tại khu vực nói trên không chỉ lo lắng về sạt lở mà còn phải chịu đựng tiếng nổ mìn và bụi bặm từ các mỏ đá bên cạnh, nên đã nhiều lần kiến nghị được di dời, tái định cư đến nơi ở mới.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng có chủ trương di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở ở núi Phú Gia, với số tiền khoảng 25 tỷ đồng từ nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai.
Theo các chuyên gia, tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là các đợt mưa bão bất thường và trái mùa với cường độ ngày càng khó lường, khó đánh giá hết nguy cơ sạt lở trong khu vực.
Giải pháp cơ quan chức năng đưa ra là giảm tải sườn dốc bằng cách bóc bỏ toàn bộ khối trượt với khối lượng đất đá ước tính khoảng 200.000m3 có thể vẫn chưa triệt tiêu hoàn toàn nguy cơ, không đảm bảo an toàn tuyệt đối các hộ dân sinh sống tại chân núi Phú Gia.
Vì vậy, cần trồng cây tạo mảng xanh, đồng thời di dời toàn bộ 32 hộ dân sống trong khu vực sườn và chân núi Phú Gia đến khu tái định cư khác nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.