Dự án đường cao tốc 20 nghìn tỷ đồng gặp khó ở đâu?
(Dân trí) - Mặt bằng đã bàn giao đạt tỷ lệ 84% nhưng lại rơi vào tình trạng "xôi đỗ", còn vướng nhà, đất của người dân xen kẽ, khiến dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Dự án có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III năm 2026. Do đó, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính ấn nút khởi công, nhà thầu đã tập trung thi công các hạng mục của dự án.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thi công, khối lượng công việc đã thực hiện của dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đạt thấp. Nguyên nhân do mặt bằng của dự án rơi vào tình trạng "xôi đỗ". Nhà ở, đất đai, rừng sản xuất của người dân chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nằm xen lẫn, chia nhỏ mặt bằng dự án.
Ghi nhận tại xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức), thiết bị phát quang đã được huy động để tạo ranh giới dự án. Tại đây, nhà thầu đang tập trung xây dựng phần cầu, riêng phần đường vẫn chưa thể thi công do vướng mắc mặt bằng.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ khoảng 1km nhưng dự án vướng đến 2 cụm nhà dân, khiến mặt bằng dự án bị chia nhỏ thành từng đoạn.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - cho biết hiện nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, đường găng.
Theo ông Huy, đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 84%, đây là tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều vị trí còn "xôi đỗ", phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38km.
Một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân chưa di dời. Do đó, hiện nhà thầu chỉ có thể tập trung tại các hạng mục đường găng của 3 hầm, 2 cầu lớn, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.
Để đảm bảo tiến độ như đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, đơn vị thi công phải tự thỏa thuận với người dân để thuê mặt bằng tiếp cận thi công hạng mục hầm, cầu. Trong ảnh là nhà thầu mở đường tiếp cận vị trí cửa hầm số 2 tại xã Phổ Cường (thị xã Đức Phổ).
Máy khoan chuyên dụng được huy động thực hiện các mũi khoan đặt chất nổ phá đá thi công hầm số 2. Toàn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có 3 hầm và 61 cầu.
Tuần trước, trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng đối với quốc gia. Việc Thủ tướng Chính phủ chọn Quảng Ngãi để dự lễ khởi công dự án đã thể hiện sự tin tưởng rất lớn của lãnh đạo Chính phủ đối với Quảng Ngãi.
Ông Thắng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trong chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Tỉnh Quảng Ngãi được đánh giá là một trong những địa phương có kết quả giải phóng mặt bằng tốt nhất.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng, đặc biệt là các vị trí ảnh hưởng đến đường găng để đủ điều kiện thi công, làm đường công vụ, cầu, hầm nhằm đảm bảo tiến độ của dự án.