1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Trị:

Dự án di dân “trùm mền” do thiếu vốn

(Dân trí) - Liên quan đến sự chậm trễ của Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, đại diện chủ đầu tư cho rằng công trình thi công chậm là do thiếu vốn.

Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét xã Húc Nghì và một số xã lân cận của huyện Đakrông được phê duyệt xây dựng năm 2010, với tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của trung ương. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2012.

Tuy nhiên, dù đã quá thời hạn 1 năm nhưng công trình vẫn đang thi công dang dở và chưa có một hạng mục nào hoàn thành. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân phải dựng nhà sống cuộc sống hết sức tạm bợ bên cạnh khu vực nguy hiểm sát mép sông chờ chuyển đến khu tái định cư. Thêm một mùa mưa, bão nữa đang cận kề, người dân địa phương đang thấp thỏm, lo lắng nhưng chưa biết phải di dời đi đâu. Để tìm câu trả lời về sự chậm trễ của dự án nói trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị - đơn vị chủ đầu tư của dự án này.

Hàng trăm hộ dân sống chênh vênh trong khu vực nguy hiểm

Hàng trăm hộ dân sống chênh vênh trong khu vực nguy hiểm

Ông Trần Văn Thu – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - thừa nhận sự chậm trễ của dự án và tỏ ra bất lực vì nguồn vốn giải ngân quá chậm nên các đơn vị thi công chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Thu cho biết, đến thời điểm hiện tại, trung ương mới chỉ giải ngân được 28% vốn (tức 29/69 tỷ đồng như đã phê duyệt) nên không có kinh phí để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Nhận thấy tính cấp bách của dự án di dân, phía tỉnh cũng đã cố gắng huy động nhiều nguồn khác nhau để lồng ghép, hỗ trợ thực hiện dự án nhưng do ngân sách hạn chế nên chỉ đảm bảo thực hiện được khoảng 50 - 60% khối lượng.  

Được biết, UBND tỉnh Quảng Trị, Chi cục Phát triển nông thôn đã nhiều lần gửi văn bản đề xuất ra trung ương để xin cấp thêm vốn. Bên cạnh đó cũng yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ hơn nữa để huy động nguồn vốn đầu tư, nhanh chóng triển khai và hoàn thành các hạng mục nhằm thực hiện việc di dân trước mùa mưa lũ.

“Các đơn vị thi công cũng đã cố gắng hoàn thành một số hạng mục cơ bản để người dân sớm được chuyển đến khu tái định cư nhưng do chưa có tiền thanh toán cho nhà thầu nên buộc phải giãn tiến độ. Trước mắt, chúng tôi đang tích cực vận động nhà thầu tập trung thi công một số hạng mục cơ bản như: đường giao thông, công trình nước sạch, điện sinh hoạt… Dự kiến trước mùa mưa lũ năm nay sẽ di chuyển cho gần 30 hộ dân đang sinh sống ở khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở đến khu tái định cư” – ông Thu nói.

Một thực tế đáng lo ngại là do sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn, sự yếu kém của nhà thầu trong quá trình thi công đã gây thất thoát, thiệt hại lớn về kinh tế khi giá trị dự án được phê duyệt ban đầu là 69 tỷ đồng, nay có thể “đội” giá lên gần 100 tỷ đồng. Không ai chịu trách nhiệm trong vấn đề này nhưng cũng đủ để nói lên rằng gánh nặng đó đang đổ lên vai Nhà nước và cả người dân.

Đăng Đức