1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Dự án cầu Phú Mỹ có nguy cơ phá sản

“Nếu đến đầu tháng 10/2006, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư và phương án tài chính chưa được phê duyệt thì dự án cầu Phú Mỹ sẽ có nguy cơ bị ngưng lại và không thực hiện!” - Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Phú Mỹ (đơn vị chủ đầu tư) than thở.

Tổng mức đầu tư: Tăng 644 tỉ đồng!

 

Dự án cầu Phú Mỹ được UBND TPHCM chính thức phê duyệt tháng 12/2004 với tổng mức đầu tư và phương án tài chính hoàn vốn được là 1.806 tỉ đồng (số làm tròn). Công trình được đầu tư theo hình thức một tổ hợp gồm nhiều đơn vị làm chủ đầu tư.

 

Mặc dù công trình rất được sự ưu ái tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp lãnh đạo TP, chính quyền địa phương (như đền bù giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc thủ tục...) và được khởi công xây dựng sớm (tháng 9/2005) nhưng đến tháng 12/2005, hồ sơ thiết kế kỹ thuật mới hoàn thành.

 

Trong khoảng thời gian trên, chủ đầu tư cũng đã tiến hành ký hợp đồng trọn gói với nhà thầu nước ngoài (tổng thầu EPC) để chuẩn bị triển khai dự án. Trong đó, quan trọng nhất là giá trị hợp đồng đối với hạng mục công trình chính với mức đầu tư hết gần 1.600 tỉ đồng... Tuy nhiên đến nay sau gần 1 năm từ ngày khởi công, công trình chỉ mới dừng lại ở phần giải phóng mặt bằng, còn lại thì giậm chân tại chỗ...

 

Và “đùng một cái” mới đây (tháng 6/2006), chủ đầu tư đã khiến UBND TP giật mình khi đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư với tổng số tiền tăng thêm là 644 tỉ đồng (từ 1.806 lên thành 2.450 tỉ đồng).

 

Theo chủ đầu tư, khoản chi phí tăng này dùng để xây dựng điều chỉnh một số hạng mục bổ sung công trình chính; công trình phụ (đường gom phía quận 7, xử lý nền đường trạm thu phí, xây dựng trạm kiểm soát thu phí, văn phòng và trung tâm điều hành), thuế... Chủ đầu tư cũng cho biết, trong khoản tăng mới này có “khoản lãi suất vay trong thời gian xây dựng” mà đơn vị trước đây không đề cập trong tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

 

Thời gian thu phí: kéo thêm gần 30 năm

 

Chủ đầu tư cho biết, tổng mức đầu tư tăng là do có sự thay đổi của một số khác biệt về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật và giải pháp kết cấu các hạng mục công trình so với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt. Đơn cử ở phần hạng mục chính, TP mới đây yêu cầu thay đổi thiết kế kỹ thuật, trong đó bổ sung việc chống va tàu, chống động đất... Tiêu chuẩn này lại khác hẳn báo cáo khả thi trước đó.

 

Chưa hết, chủ đầu tư cho rằng phần thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu (BIT) tại Việt Nam trước đây đơn vị không tính tới, tuy nhiên theo luật thuế hiện hành của Việt Nam, chủ đầu tư phải trả thay cho nhà thầu khoản thuế này (với tổng giá trị gần 200 tỉ đồng).

 

Mặt khác, chủ đầu tư cũng cho rằng việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này cũng do giá vật tư (sắt, thép nguyên liệu...) tăng từ 30% - 70%, điều này đã trở thành gánh nặng cho nhà thầu. Đó là chưa kể các yếu tố tác động khác như chênh lệch tỉ giá euro/USD, chi phí cho giám sát-quản lý, bảo hiểm công trình...

 

Theo ông Mạc Đăng Nốp, Phó Tổng Giám đốc chủ đầu tư, từ việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nói trên đã kéo theo sự thay đổi lớn về việc thu phí và thời gian thu phí sau khi công trình cầu Phú Mỹ khi đưa vào sử dụng.

 

Phương án thu phí theo tổng mức đầu tư ban đầu (đã được UBND TP chấp nhận và tính theo giá thu phí của Xa lộ Hà Nội hiện nay) là trong vòng 26 năm. Tuy nhiên, hiện nay phương án này không còn phù hợp nữa vì thời gian thu phí sẽ “đội” từ 26 năm lên thành 54 năm! Vì làm như vậy chủ đầu tư mới thu hồi được vốn. “Còn nếu áp dụng phương án ban đầu thì khả năng hoàn vốn là rất khó” - ông Nốp nói.

 

Trước tình hình “dầu sôi lửa bỏng” này, chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản cầu cứu đến UBND TP. Trong văn bản mới đây, chủ đầu tư cũng xin nhận khuyết điểm của mình là “vì chủ quan không đề xuất đưa thuế GTGT, BIT, lãi vay vốn phát sinh trong quá trình thi công trong tổng mức đầu tư được duyệt cũng như chưa lường hết những phát sinh khách quan về kỹ thuật...

 

UBND TP cũng đã nhiều lần làm việc và mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đua chỉ đạo trong vòng tháng 7, các đơn vị khẩn trương thực hiện phương án “giải cứu” cho dự án cầu Phú Mỹ, sau đó đề xuất ý kiến trình lên thường trực UBND TP.

 

Theo Nguyễn Thạnh

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm