1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Dự án cải tạo rừng nghèo kiệt: Có công văn tạm dừng thì... rừng đã kiệt!

(Dân trí) - Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công văn về việc tạm dừng triển khai mới các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng; tuy nhiên, khi công văn “về” đến cơ sở thì tại xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy đã “kịp thời” chuyển đổi một số diện tích rừng.

“Kịp thời” chuyển đổi hàng chục héc ta rừng nghèo kiệt!

Theo phản ánh của người dân, khoảng hơn một tháng trở lại đây, tại thôn Vin, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có hiện tượng khai thác lâm sản. Phóng viên đã mục sở thị, tại khu vực trên có nhiều ha rừng mới được “cạo trọc” trong thời gian gần đây.

Tại đây, những cánh rừng với diện tích hàng chục ha mới được khai thác, nhiều cây gỗ đường kính từ 10 - 40cm, thậm chí có cây có đường kính đến gần 1m mới được hạ xuống, nhựa vẫn còn tứa ra. Nhiều cây gỗ lớn, nhỏ đã được cắt thành từng khúc, tập kết bên con đường mới được mở để chờ vận chuyển đi.

Khu vực rừng chuyển đổi
Khu vực rừng chuyển đổi

Ông Dương Ngọc Hân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, cho biết: Khu vực mới khai thác đó là thực hiện theo dự án cải tạo rừng nghèo kiệt để chuyển sang rừng sản xuất của các hộ gia đình. Rừng này đã được nhà nước giao cho các hộ gia đình quản lý, không phải là rừng tự nhiên. Khu vực đang khai thác đa số không còn gỗ lớn, gỗ quý thuộc nhóm I, II, III nữa mà chủ yếu là các loại dây leo, bụi rậm và gỗ tạp nhóm IV đến nhóm VIII không có giá trị về kinh tế.

Còn theo ông Hoàng Nam Dinh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Thủy, đây là dự án cải tạo rừng nghèo kiệt đã được Sở NN&PTNT phê duyệt, sự án được triển khai từ đầu năm 2017.

Nhiều cây gỗ lớn đã được cắt và vận chuyển ra đường
Nhiều cây gỗ lớn đã được cắt và vận chuyển ra đường

Cũng theo ông Dinh, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng và chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt. Đến nay, tất cả các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt đều phải tạm dừng triển khai, kể cả dự án đã phê duyệt, nếu chưa làm xong cũng phải dừng lại.

Liên quan đến việc tại thôn Vin có hiện tượng mới khai thác, ông Dinh cho biết: “Chắc là mấy hộ thực hiện sau, gỗ đã cắt hạ trước đó mấy tuần chưa kịp vận chuyển ra, không còn khai thác mới. Nếu còn khai thác mới là sai, vì hôm 24/10, chúng tôi có đi kiểm tra và yêu cầu tạm dừng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng trên địa bàn huyện”.

Dự án cải tạo rừng nghèo kiệt: Có công văn tạm dừng thì... rừng đã kiệt! - 3
Gỗ được cắt thành khúc
Gỗ được cắt thành khúc

Được biết, ngày 28/12/2016, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có quyết định chuyển đổi 22,84 ha rừng nghèo kiệt tại Khoảnh 2, Tiểu khu 289, thuộc xã Cẩm Quý. Theo kế hoạch thì thời gian thực hiện việc chuyển đổi đến tháng 12/2017 là hoàn thành.

Ngày 10/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký công văn số 12268 về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng. Trong đó, yêu cầu tạm dừng việc triển khai mới các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng.

Trước mắt, ưu tiên áp dụng các biện pháp khoanh nuôi, phục hồi rừng nhằm đảm bảo duy trì, phát triển ổn định diện tích rừng tự nhiên hiện có. Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng xâm lấn, phá rừng, khai thác rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên trái quy định của pháp luật mà không được ngăn chặn kịp thời thì Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật.

Dường như, trên thực tế khi chỉ đạo nêu trên của tỉnh Thanh Hóa “về được” đến cơ sở thì tại xã Cẩm Qúy, cũng đã “kịp thời” chuyển đổi một diện tích lớn rừng được cho là nghèo kiệt quy hoạch thành rừng sản xuất.

Và theo lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Cẩm Thủy thì đơn vị đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và xã đi kiểm tra tổng thể quá trình thực hiện. Đến nay, cơ bản các hộ đã thực hiện xong trước khi có chỉ đạo của tỉnh về việc đóng cửa rừng.

“Chắc chắn bây giờ không còn có trường hợp nào khai thác mới, chỉ còn sót lại một vài hộ đã cắt hạ từ trước chưa kịp vận chuyển ra thôi. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác kiểm tra giám sát, cơ bản họ làm rất tốt”, ông Hoàng Quốc Mạnh - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cẩm Thủy thông tin.

Nhiều cây có đường kính 30 - 40cm
Nhiều cây có đường kính 30 - 40cm
Thậm chí có cây đường kính gần 1m
Thậm chí có cây đường kính gần 1m
Những thân gỗ lớn đã được cưa, cắt
Những thân gỗ lớn đã được cưa, cắt
Gốc cây còn tươi mới
Gốc cây còn tươi mới

Những cánh rừng nghèo kiệt, xác xơ.

Những cánh rừng nghèo kiệt, xác xơ.

Chúc Phương - Trần Lê