"Đột nhập" hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội

Thái Bá

(Dân trí) - Một khu hang động xung quanh bao bọc bởi những dãy núi cao ở kinh thành Hoa Lư xưa, nơi đây, vua Đinh Tiên Hoàng từng nhốt đầy hổ báo để trừng trị những kẻ có tội.

Nơi trừng trị kẻ trọng tội

Nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, động Am Tiên rất ít người biết đến, bởi nơi đây nằm cách biệt với bên ngoài, ngăn cách bằng dãy Ngũ Phong Sơn hùng vĩ, trùng điệp. Muốn vào được bên trong động phải leo qua một quèn núi, hai bên nhấp nhô những phiến đá cao sừng sững.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 1

Để vào được bên trong chùa động Am Tiên phải đi qua quèn núi, bên trên có miếu thờ Sơn Thần.

Vào thế kỷ thứ X, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, chọn Hoa Lư là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt (Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam). Trong những năm tháng trị vì, vua Đinh xây dựng vùng đất kinh đô vững chãi, lấy núi đá làm thành, sông làm đường.

Theo truyền thuyết còn lưu giữ trong nhân dân xung quanh vùng cố đô Hoa Lư, xưa kia động Am Tiên là nơi vua Đinh Tiên Hoàng dùng nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 2

Bên trong thung lũng khu chùa động Am Tiên - nơi xưa kia vua Đinh Tiên Hoàng nhốt toàn hổ báo để trừng trị những kẻ trọng tội.

Các bậc cao niên vùng đất cố đô Hoa Lư kể lại, mỗi khi có kẻ phạm trọng tội, nhà vua sai quân lính ném kẻ này vào trong thung lũng để hổ báo và thú dữ xé xác ăn thịt. Vì thế, khi nói đến nơi này, nhiều người không dám khi quân phạm thượng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi lại: "Vua muốn dùng uy chế thiên hạ nên đặt vạc lớn ở sân triều đình, nuôi hổ dữ trong cũi và hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn".

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 3

Hang động hoang vu từ xưa kia còn lại đến ngày nay tại khu chùa động Am Tiên.

"Động Am Tiên hiện nay là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhưng khi nghe kể đến truyền thuyết xưa kia về chuyện vua nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội, nhiều du khách vẫn thấy rùng mình" - anh Nguyễn Văn Thắng người dân xã Trường Yên chia sẻ.

Biến "vùng đất chết" thành chùa nổi tiếng

Vua Đinh Tiên Hoàng qua đời, vua Lê Đại Hành nối ngôi. Sau đó đến đời vua Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Vùng đất Hoa Lư biến thành nơi hoang vu. Nơi vua Đinh nhốt hổ báo trừng trị những kẻ trọng tội biến thành "vùng đất chết".

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 4

Chùa động Am Tiên nơi Thiền sư Nguyễn Minh Không đã biến "vùng đất chết" thành nơi thờ Phật.

Sau này, Thiền sư Nguyễn Minh Không khi đến đây thấy hình thế của động đã lập chùa, thờ Phật. Khu đất hoang cũng được Thiền sư khai phá trồng hoa lợi cho chùa và người dân trong vùng sử dụng. Những năm tháng Thiền sư Nguyễn Minh Không tu hành tại chùa động Am Tiên, nhân dân quanh vùng đến nơi đây chiêm bái và lễ Phật rất đông.

Di tích lịch sử - thắng cảnh chùa và động Am Tiên ngày nay nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An). Thắng cảnh này nằm gần với hai đền thờ vua Đinh và vua Lê, vì vậy rất thuận lợi cho du khách có thể tham quan.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 5

Đường lên chùa động Am Tiên.

Hiện nay chùa động Am Tiên ngoài thờ Phật còn thờ Quốc Pháp Thiền sư Nguyễn Minh Không - người có công tu sửa động, dựng chùa. Chùa và động có giá trị về nhiều mặt. Cùng với cảnh trí núi non hùng vĩ, kỳ thú, lại thuận tiện, chùa và động Am Tiên là nơi tham quan du lịch lý tưởng.

Lãnh đạo Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) cho biết, kể từ khi thuộc quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, chùa và động Am Tiên được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Công tác tôn tạo để phát huy những giá trị lịch sử to lớn cũng được đơn vị quản lý chú trọng hơn. Mỗi năm, chùa và động Am Tiên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm bái lễ Phật.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 6

Bên trong chùa động Am Tiên thờ Phật và có cả nơi thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không - người lập chùa.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 7

Lăng mộ các vị sư từng trụ trì tại chùa động Am Tiên.

Đột nhập hang động nơi vua Đinh nhốt hổ trừng trị kẻ trọng tội - 8

Toàn cảnh khu chùa động Am Tiên nổi tiếng ở vùng đất cố đô Hoa Lư.