1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đột nhập bãi chứa chất thải “lậu” khổng lồ

Bãi chứa là cả một thung lũng rộng mênh mông với hàng đống chất thải chất cao như núi đang cháy nghi ngút, bay mùi khét lẹt...

“Ở Đồng Nai có một bãi đổ chất thải khổng lồ hoạt động công khai mấy năm nay nhưng chẳng ai dám sờ tới”. Tình cờ nghe được thông tin này từ một tài xế xe tải chở thuê cho một đơn vị xử lý chất thải nguy hại ở TPHCM, chúng tôi đã điều tra và phát hiện một bãi đổ chất thải khổng lồ nằm trên một khu rừng thuộc địa bàn ấp Song Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

 

Đột nhập bãi chứa chất thải “lậu” khổng lồ - 1

Những đống chất thải đang được đốt để phi tang.

 

Ngoài sức tưởng tượng

 

Không thể tưởng tượng nổi cảm giác của chúng tôi khi tiếp cận bãi chứa chất thải này vào trưa 15/6. Bãi chứa là cả một thung lũng rộng mênh mông với hàng đống chất thải chất cao như núi đang được đốt cháy nghi ngút, bay mùi khét lẹt.

 

Cách khu vực này một quả đồi nhỏ, chúng tôi cũng phát hiện có một bãi chất thải khác cũng được xử lý bằng cách đốt giữa trời. Trông coi bãi rác này là một thanh niên đi xe máy biển số tỉnh Đồng Nai.

 

Theo quan sát của chúng tôi, chất thải được đưa về thung lũng này gồm đủ loại, từ rác sinh hoạt đến chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tại đây có 6 cái chòi được dựng tạm bợ và khoảng 20 người sinh sống, phần đông là thanh niên.

 

Công việc hiện nay của những người này là phân loại rác, lấy những thứ có thể bán được để riêng, còn lại đem đốt. Ngoài ra, tại đây chúng tôi còn phát hiện nhiều khu vực chôn lấp chất thải, có dấu vết từ rất lâu.

 

Người dân sống bên bìa rừng cho biết bãi chứa này đã tồn tại nhiều năm nay. Hằng ngày, xe chở rác, chất thải ngang nhiên vào ra tấp nập. Việc đốt rác và chất thải cũng diễn ra thường xuyên, mùi hôi phát tán tận khu dân cư.

 

Đột nhập bãi chứa chất thải “lậu” khổng lồ - 2
Xe của Công ty Tân Phát Tài đang chở chất thải về đổ.

 

Ai bảo kê?

 

Trong vai chủ doanh nghiệp làm nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại, chúng tôi gặp người thanh niên trông coi bãi chất thải để đặt vấn đề đưa chất thải nguy hại về đây đổ và anh ta đồng ý ngay: “Mỗi xe cỡ 5 tấn, chúng tôi lấy từ 400.000 đến 500.000 đồng. Hôm nào anh đưa xe về thì gọi trước để tôi biết”.

 

Khi chúng tôi tỏ ý lo ngại do khu vực này là đoạn độc đạo nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì không có đường tháo chạy? Người thanh niên này trấn an ngay: “Ở đây chúng tôi lo hết rồi, chẳng sao đâu. Từ trước đến nay, ngày nào cũng có mấy chục xe về đổ nhưng có sao đâu”. Khi chúng tôi hỏi: “Vậy những chất không đốt được thì làm cách nào?”. Anh thanh niên trả lời tỉnh bơ: “Thì chúng tôi ủi đất lên lấp lại!”.

 

Trong 3 ngày phục kích tại đây, chúng tôi ghi nhận việc tiếp nhận rác, chất thải diễn ra vào ban ngày và gần như công khai. Ngoài những xe chở rác sinh hoạt (có cả xe chuyên dụng), những xe tải nhỏ chở chất thải không rõ nguồn gốc còn có cả xe tải lớn (rất giống xe chuyên dùng chở chất thải nguy hại - PV) đem chất thải về đây đổ.

 

Tra cứu biển số xe, chúng tôi được biết xe tải lớn là của DNTN Tân Phát Tài. Hiện nay, Tân Phát Tài là đơn vị  thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại lớn nhất tỉnh Đồng Nai.

 

Cũng theo điều tra của chúng tôi, bãi tiếp nhận chất thải trên là của ông Nguyễn Tư Hiệp (ngụ tại ấp Song Mây), thành viên của HTX Dịch vụ Tổng hợp Bắc Sơn. Bãi tiếp nhận này đã hoạt động không phép từ năm 2006 đến nay.

 

Vậy trong thời gian qua, đã có bao nhiêu tấn rác, chất thải nguy hại được đưa về đây để chôn, đốt. Và một câu hỏi khác cũng cần phải được làm rõ: Ai đã bảo kê cho hoạt động của bãi tiếp nhận chất thải này?

 

Lãi to!

 

Với giá 500.000 đồng/xe chất thải nguy hại, một ngày chỉ cần tiếp nhận khoảng 10 xe, chủ bãi chứa đã có trong tay 5 triệu đồng. Đó là chưa kể số tiền thu được từ việc tiếp nhận các xe chở rác sinh hoạt, tiền bán ve chai. Trong khi đó, với giá xử lý 1 tấn chất thải nguy hại hàng triệu đồng, với mỗi chuyến xe tải (khoảng 5 tấn) về đây đổ, một đơn vị thu gom xử lý chất thải nguy hại cũng vô tư bỏ túi vài chục triệu đồng.

 

Hiện, ngoài những chất thải đã được đốt phi tang, chúng tôi ước tính số chất thải còn tồn đọng tại bãi tiếp nhận chất thải ở ấp Song Mây hàng chục tấn. Vậy đây là những chất gì, của những đơn vị nào và cần phải được xử lý ra sao?

 

Trung Thanh - Ngọc Bích