Đồng ý chủ trương phong tặng Anh hùng cho “Đội quân tóc dài”

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tiến hành các thủ tục xét, phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ”Đội quân tóc dài”, giao Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan làm thủ tục trình xét theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Đội quân tóc dài - Niềm tự hào của nhân dân, nỗi khiếp sợ của quân thù (Ảnh tư liệu)
"Đội quân tóc dài" - Niềm tự hào của nhân dân, nỗi khiếp sợ của quân thù (Ảnh tư liệu)

Đó là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại phiên họp lần thứ 63 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

“Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960 sau khi có Nghị quyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 15 mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của những người cộng sản miền Nam, phát động hàng chục triệu lượt quần chúng nổi dậy thành cao trào Đồng khởi.

Phong trào bắt đầu bùng nổ ngày 17/1/1960 tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sau đó phong trào đã lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, lực lượng phụ nữ này đã giành quyền kiểm soát 22 xã, phá Ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác. Trong cuộc nổi dậy này, đã xuất hiện người nữ lãnh đạo tài năng là bà Nguyễn Thị Định. Nữ tướng Nguyễn Thị Định đã trở thành một nhà lãnh đạo và biểu tượng của Đội quân tóc dài. Tên tuổi của bà đã gắn liền với Đội quân tóc dài và phong trào đấu tranh của phụ nữ ở miền Nam Việt Nam

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp nói trên, Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung thực hiện, giải quyết dứt điểm khen thưởng kháng chiến: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Huân chương Kháng chiến, Huy chương Kháng chiến.

Công tác thi đua khen thưởng năm 2016 cần bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước, từng Bộ, ngành, địa phương, tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động thiết thực, hướng các phong trào thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua; phát huy tính tích cực của cơ quan truyền thông trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt.

Đồng thời nâng cao chất lượng khen thưởng, bám sát các quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng trong việc bình xét, lựa chọn, đề nghị khen thưởng, đảm bảo chính xác, kịp thời. Cùng với việc làm tốt công tác khen thưởng cống hiến theo quy định của pháp luật, cần tăng tỷ lệ khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất và người lao động trực tiếp. Việc khen thưởng phải bảo đảm chính xác, kịp thời, chặt chẽ, tránh hình thức.

Thế Kha