Đồng Tháp: Duy trì vị thế dẫn đầu về nông sản, trải thảm thu hút đầu tư
(Dân trí) - Có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh luôn dẫn đầu cả nước, kinh tế Đồng Tháp năm qua đạt nhiều kết quả tốt; tỉnh chú trọng duy trì vị thế dẫn đầu về nông sản, đồng thời trải thảm thu hút đầu tư.
Phát triển kinh tế đạt nhiều kết quả nổi bật
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt trên 124.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6%. Năm nay, tỉnh Đồng Tháp thu ngân sách ước đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 25.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước. Các ngành hàng nông sản chủ lực của Đồng Tháp như lúa gạo, cá tra, xoài… đều có mức tăng trưởng cao trong năm 2024.
Riêng lúa gạo, năm 2024 nông dân tỉnh Đồng Tháp sản xuất trên 3,3 triệu tấn, đứng thứ 3 cả nước. Giá trị sản xuất lúa gạo đạt 17.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 10% so với năm 2023.
Năm 2024, ngành hàng cá tra của Đồng Tháp cũng đạt giá trị gần 9.000 tỷ đồng, đứng đầu cả nước.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Đồng Tháp có 650 doanh nghiệp thành lập mới, tổng có gần 5.400 doanh nghiệp đang hoạt động; 9 dự án được phê duyệt với tổng vốn đăng ký gần 5.500 tỷ đồng.
Hiện tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Tháp đạt gần 40%, đang tăng nhanh. Tỉnh có 3 thành phố là Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự.
Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thông, mở rộng diện tích đất công nghiệp.
Về nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, cơ cấu lại các ngành hàng chủ lực, duy trì vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa gạo và cá tra.
Đặc biệt, Đồng Tháp tập trung triển khai 2 đề án của Trung ương gồm "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" và "Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030".
Trải thảm thu hút đầu tư
Trong 16 năm liên tiếp gần nhất, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng điều hành nền kinh tế (PCI) của Đồng Tháp luôn nằm trong tốp 5 cả nước. Điều này tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của địa phương.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng Tháp đang dần hoàn thiện, ngoài tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ đang khai thác, 2 tuyến đường bộ cao tốc là Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh đã và sắp được khởi công. Đường thủy kết nối Đồng Tháp cũng có nhiều thuận lợi khi cả 2 dòng chính sông Tiền và sông Hậu đều chảy qua địa phận tỉnh này.
Đồng Tháp cũng có 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà cùng 5 cửa khẩu hữu nghị kết nối với Campuchia. Từ hệ thống cửa khẩu này, tỉnh đã xây dựng khu kinh tế cửa khẩu với nhiều cụm công nghiệp, cụm dân cư.
Đồng Tháp có 3 khu công nghiệp đang hoạt động gồm KCN Sa Đéc (rộng 132ha, tại TP Sa Đéc), KCN Trần Quốc Toản (rộng 56ha, tại TP Cao Lãnh) và KCN Sông Hậu (63ha, tại huyện Lai Vung). Các KCN này có tỷ lệ lấp đầy trên 90%, đã thu hút 66 dự án với tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó riêng 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm gần 50% tổng vốn đăng ký.
Năm 2024, các doanh nghiệp trong các KCN của Đồng Tháp sử dụng gần 13.000 lao động, sản xuất khối lượng hàng hóa trị giá hơn 24.000 tỷ đồng, hơn 25% lượng hàng hóa này phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh các KCN, tỉnh Đồng Tháp có 13 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 450ha. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng KCN Tân Kiều rộng gần 150ha ở huyện Tháp Mười. Dự kiến trong năm 2025 KCN này sẽ đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp xây dựng 5 KCN mới với tổng diện tích trên 860ha; từ năm 2030-2050 tỉnh này tiếp tục xây dựng 3 KCN, mở rộng 4 KCN với tổng diện tích gần 3.400ha.
Cũng theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030 tỉnh Đồng Tháp sẽ lập mới 19 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 1.200ha.
Đồng Tháp đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư. Các lĩnh vực Đồng Tháp thu hút đầu tư gồm hạ tầng logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.