1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc

(Dân trí) - Từ rạng sáng ngày 16/5, du khách đổ về chùa Phật Tích chiêm bái tượng Phật ngọc ngày càng đông. Dòng người mỗi lúc một nhiều khiến chính vị trụ trì nhà chùa phải trực tiếp “phân luồng giao thông”..

Dòng người quá đông, sư trụ trì đã phải “ra tay”!

Đại đức Thích Đức Thiện - Trụ trì chùa Phật Tích cho biết: “Ngay từ 0h ngày 17/5 đã có đến hơn 50 đoàn du khách, phật tử các nơi đổ về chùa để chiêm bái Phật ngọc và tham quan khuôn viên chùa. Do lượng người quá đông, lại phải chen chúc khổ sở nên đích thân tôi phải ra khu vực đặt tượng Phật ngọc để cùng anh em chỉ dẫn lối đi cho du khách

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 1
Du khách từ già đến trẻ đều phải xếp hàng di từng bước để được chiêm bái tượng phật ngọc (Ảnh Quốc Cường)

Chúng tôi đã thống nhất chia thành hai lối đi riêng để du khách thuận tiện đi lại. Một lối dành riêng lên chùa, lối đi còn lại để du khách và phật tử chiêm bái tượng Phật".
 
Theo thông báo của BTC, con số thống kê chưa đầy đủ tạm tính đến chiều ngày 17/5 là đã hơn 5 vạn du khách, nhân dân đến chùa Phật Tích chiêm bái tượng Phật ngọc và thăm quan khuôn viên di tích chùa. Ông Nguyễn Huy Khâm - phụ trách trực tiếp điều hành khu vực tượng Phật ngọc - cho biết: “Con số sơ bộ mà chúng tôi có thể thống kê được trong ngày đầu tiên có khoảng 2 vạn người tham dự đại lễ. Đến 17h chiều 17/5 đã có hơn 3 vạn du khách, nhân dân khắp nơi đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc. Chúng tôi đã phải bố trí thêm 20 bảo vệ chuyên nghiệp và huy động hàng chục sinh viên tình nguyện tham gia công tác tổ chức”.

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 2
Chốt chặn ngay đầu đường 295 cũ ngăn cả xe và người dân trong xã nếu không CMTND

Ngay đầu con đường 295 cũ, lực lượng công an địa phương đã cấm không cho bất cứ xe máy nào đi trong khu vực này, kể cả người dân xã Phật Tích cũng không được về nhà nếu không mang theo chứng minh thư nhân dân. Thỉnh thoảng lại thấy sự cãi vã xẩy ra giữa người địa phương và đội ngũ chắn đường vào chùa. Nhiều phụ nữ địa phương bức xúc vì đi chợ mà lại không được về nhà, phải đi bộ về nhà lấy chứng minh mới được đi qua.

Xe ôm mọc lên như nấm

Lực lượng xe ôm làm việc khá vất vả dù quân số cả thường xuyên và tạm thời khá đông. Theo tính nhẩm của chủ nhà nghỉ Kim Cúc cạnh chùa Phật Tích, riêng ngày 17/5 phải có hơn 500 xe ôm là người địa phương tham gia đón chở khách vào chùa.

Chị Kim Nga, người dân xã Phật Tích cho biết: “Từ sáng sớm cho đến chiều tối 17/5,  các con đường vào chùa có lúc bị tắc cứng. Đội xe ôm vẫn thu 10 ngàn đồng một người, các đoạn tắc đường thì du khách phải trả thêm 2.000 đồng mỗi người để đi tắt qua nhà dân”.

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 3
Lực lượng xe ôm làng sẵn sàng đón khách

Anh N.T lái xe ôm tạm thời cho biết: “Hiện tại cả nhà tôi đều làm xe ôm, hôm qua tôi đã mượn được thêm một chiếc xe nữa cho thằng cả đi chở khách và cả vợ tôi nữa. Riêng tôi hôm nay đã chở hơn 20 lượt khách vào ra, tính cũng được kha khá chú à”.

Theo quan sát của PV Dân trí, đội xe ôm lưu động thời vụ tại xã Phật Tích đã được bổ sung thêm nhiều chị em trẻ là công nhân tại các nhà máy trên địa bàn tham gia hoạt động chở đón khách, đáng chú ý là hàng chục xe ôm từ thị trấn huyện Từ Sơn cũng về xã Phật Tích “tham chiến” tranh giành chở khách. Ngay từ bãi đỗ xe ô tô bên ngoài, dòng xe ôm mang biệt hiệu xã Phật Tích đã tham gia nghênh tiếp, chào mời khách vào chùa.

Thượng tá Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc công an tỉnh Bắc Ninh - cho biết: “Việc tổ chức khách mời tham dự là việc của BTC nhà chùa, trách nhiệm của chúng tôi là giữ vững trật tự chung là giao thông và công cộng, chúng tôi cố gắng bố trí đủ lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
 

“Mùa vàng” kinh doanh

 

Hòa cùng dòng người dồn dập đổ vào chùa, từ ngoài đường 295 cũ cách khuôn viên chùa Phật Tích gần 1km, san sát nhau hai bên đường, hàng trăm hộ dân đã tận dụng tất cả các khoảng đất mặt tiền có thể, kể cả đầu ngõ để bán hàng nước, hàng ăn, hàng lưu niệm, hoa quả… nhiều nhất là ảnh và đĩa CD về tượng Phật ngọc được bày bán khắp nơi, quanh khuôn viên chùa.

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 4
Có vô số lán tạm, hàng quán bán đủ thứ hàng hóa trên đường vào chùa. (Ảnh Q.C)

Trên mỗi khoảng đất hơn 1m2 tại đường 295 cũ này, người dân địa phương “xí chỗ” cho thuê với các giá từ 1 đến 2 triệu đồng/ một ô đất không. Tại khu vực trung tâm, các gian đất gần sát chùa giá cho thuê lũy tiến lên từ 3 đến gần 10 triệu đồng cho đến ngày kết thúc sự kiện. Ngoài ra, có rất nhiều ăn xin từ già đến trẻ đã tập trung chờ “bố thí” trên đường vào chùa.

Các hoạt động mua bán ngày tại khu vực gần chùa ngày 17/5 trở nên dồn dập và đa dạng hơn rất nhiều so với ngày trước đó. Có nhiều loại hàng hóa như dao cắt hoa quả, các đồ chơi trẻ em và người lớn, các con vật như rùa nước, các loại chim kể cả dịch vụ trang trí làm đẹp điện thoại cũng nở rộ, tất cả đều được bày bán đầy đường đi lối lại quang chùa. Bình quân một gian hàng lớn nhỏ bán hàng cho du khách tính đại lễ đến chiều tối 17/5 lên đến hàng chục triệu đồng.

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 5
Bà Binh đã mua bức ảnh Bác Hồ và tượng phật ngọc

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 6
Mua tượng Phật ngọc nhỏ về nhà chiêm bái

Dòng người chen chúc đổ về chiêm bái tượng Phật ngọc - 7
Nhiều du khách than vãn vì BTC không cho đến gần tượng Phật ngọc quý.

Nhiều phật tử chiêm bái tượng Phật ngọc từ xa không thỏa, đã mua ảnh tượng và tượng Phật ngọc mô hình của Công ty CP SX&TM Bàn Tay Vàng sản xuất bằng chất liệu composit, mang về nhà tha hồ chiêm bái.

Bà Cao Thị Binh 70 tuổi ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, thì mua cả ảnh Bác Hồ và ảnh tượng Phật ngọc mang về làm quà tặng cho người thân trong gia đình. 
 

Thông tin từ BTC: Sáng nay 18/5, Bộ Ngoại giao kết hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức buổi giới thiệu về pho tượng Phật ngọc quý tại chùa Phật Tích với sự tham dự của các cơ quan ban ngành liên quan. Sau đó là lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới và Quốc thái dân an. Đặc biệt có sự góp mặt của đoàn kiều bào 3 thế hệ từ các nước trên thế giới cũng như sự tham dự của hơn 1.000 phật tử từ Hà Nội và Bắc Ninh.

 

Quốc Đô